Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt của chủ sở hữu phương tiện theo mẫu quy định và các giấy tờ của phương tiện gồm: 1- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng mua bán, cho, tặng; quyết định điều chuyển phương tiện theo quy định của pháp luật (Đối với giấy tờ của phương tiện bằng tiếng nước ngoài thì phải nộp kèm theo bản dịch tiếng việt đã được công chứng dịch thuật); 2- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hóa đơn bán hàng của tổ chức phát hành hóa đơn bán hàng (nếu phương tiện bán ra đã chuyển qua nhiều tổ chức, cá nhân thì khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt chỉ cần bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hóa đơn bán hàng của tổ chức, cá nhân bán cuối cùng); 3 - Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện do tổ chức đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức đăng kiểm nước ngoài được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ủy quyền (sau đây gọi là tổ chức đăng kiểm) cấp còn hiệu lực; 4- Chứng từ chứng minh đã nộp lệ phí trước bạ (nếu có).
Dự thảo nêu rõ, trường hợp trong cùng một hợp đồng mua bán, cho, tặng phương tiện, hóa đơn bán hàng, tờ khai hải quan của hồ sơ có kê khai nhiều phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện có trách nhiệm cung cấp bảng kê khai cho từng phương tiện đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc hồ sơ đối với từng phương tiện theo quy định trên.
Đối với phương tiện nhập khẩu ngoài các giấy tờ theo quy định thì cần phải có thêm bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của tờ khai hải quan dùng cho phương tiện nhập khẩu có xác nhận của đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt hoặc tờ khai hải quan điện tử đã được thông quan. Đối với phương tiện được thừa kế ngoài các giấy tờ theo quy định trên cần phải có thêm bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật. Đối với phương tiện giao thông đường sắt đô thị, trường hợp phương tiện không có hợp đồng mua bán, hóa đơn riêng (do việc mua bán các phương tiện đó chỉ là hợp phần của gói thầu và không thể tách rời) thì chủ sở hữu phải có bản cam kết xác nhận các phương tiện đó thuộc quyền sở hữu và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có các tranh chấp sở hữu phát sinh.
Trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận
Theo dự thảo, phương tiện có hồ sơ đầy đủ theo quy định trên sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
Chủ sở hữu phương tiện nộp 1 bộ hồ sơ làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường gửi trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Cục Đường sắt Việt Nam.
Cục Đường sắt Việt Nam tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Đường sắt Việt Nam phải hướng dẫn chủ sở hữu phương tiện hoàn thiện hồ sơ trong vòng 1 ngày làm việc (nếu hồ sơ nộp trực tiếp) hoặc thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu phương tiện biết để bổ sung hồ sơ trong vòng 2 ngày làm việc (nếu tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu chính).
Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt. Trường hợp không cấp, Cục Đường sắt Việt Nam có văn bản trả lời cho chủ sở hữu phương tiện và nêu rõ lý do.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.