Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, về cơ quan đăng ký phương tiện, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Chi cục Đường thủy nội địa thực hiện đăng ký phương tiện mang cấp VR-SB (tàu được chạy trên tuyến pha sông biển) của tổ chức, cá nhân.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó, trừ phương tiện mang cấp VR-SB.
Cũng theo dự thảo, cơ quan quản lý giao thông cấp huyện thực hiện đăng ký phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 - 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 - 12 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn quản lý, trừ phương tiện mang cấp VR-SB.
Cấp xã, phường, thị trấn thực hiện đăng ký phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 - 5 tấn hoặc có sức chở từ 5 - 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người của tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn quản lý, trừ phương tiện mang cấp VR-SB. Đồng thời, tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định…
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ theo quy định hoặc gửi qua hệ thống bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ quan đăng ký phương tiện.
Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cơ quan đăng ký phương tiện cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký phương tiện có văn bản gửi tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy chứng nhận xóa đăng ký phương tiện cho chủ phương tiện. Trường hợp không cấp phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Phương tiện có thể có tên riêng
Theo dự thảo, ngoài số đăng ký phương tiện do cơ quan đăng ký phương tiện cấp, phương tiện có thể có tên riêng.
Tên của phương tiện do chủ phương tiện đặt nhưng không được trùng với tên phương tiện thuỷ nội địa đã đăng ký trong Sổ Đăng ký phương tiện thuỷ nội địa của cơ quan đăng ký phương tiện. Trường hợp lấy tên nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử Việt Nam để đặt tên phương tiện, phải được cơ quan đăng ký phương tiện chấp thuận theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Tuệ Văn