Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển y tế điện tử. Gần 100% các bệnh viện hiện nay đã sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh, và 99,5% cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế. Một số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế, như cấp phép chứng chỉ hành nghề y, dược và cấp phép hoạt động bệnh viện, cũng đã được triển khai hiệu quả, bước đầu hình thành mạng lưới y tế từ xa.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn lực hiện tại chưa đủ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số y tế toàn diện. Việc chưa có một hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh tập trung khiến công tác điều hành, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở y tế thiếu thốn trang thiết bị và cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp nhu cầu, huy động nguồn lực, và ra quyết định chính xác.
Bộ Y tế cần một hệ thống thông tin tập trung để hỗ trợ công tác điều hành quản lý, nâng cao khả năng dự báo, lập kế hoạch, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu thời gian thủ tục trong công tác giám định. Hệ thống này phải cung cấp thông tin dữ liệu chất lượng cao, hỗ trợ phản ứng nhanh và tiết kiệm chi phí.
Với quy mô triển khai toàn quốc, Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng nhu cầu truy cập, tra cứu, đối soát và quản lý dữ liệu. Hệ thống cũng cần hỗ trợ việc gửi dữ liệu khám bệnh chuyển tuyến giữa các cơ sở y tế, giúp người dân tra cứu được lịch sử khám chữa bệnh và hỗ trợ nhà quản lý kiểm tra tình trạng lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đã đề xuất quy định xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các quy định về: Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; nguyên tắc xây dựng và quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh; nguồn dữ liệu của Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; hình thức cập nhật dữ liệu vào Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm hạ tầng, an toàn thông tin của Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; phân quyền khai thác và sử dụng thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; chia sẻ công khai thông tin hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Dự thảo nêu rõ, Bộ Y tế chủ trì xây dựng, phát triển và vận hành Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tập trung, thống nhất trên toàn quốc. Phân quyền cho Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành sử dụng phục vụ nhu cầu quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, về an ninh an toàn thông tin, đảm bảo tính liên thông và có khả năng tích hợp với các hệ thống liên quan khác như giám định bảo hiểm y tế, hệ thống thống kê y tế quốc gia.
Theo dự thảo, việc xây dựng và quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh trên nguyên tắc sau:
Quản lý tập trung: Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế thống nhất quản lý, bảo đảm tuân thủ các quy định về an toàn, bảo mật thông tin, và phải có khả năng liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như hệ thống thông tin y tế khác. Hệ thống cần đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật, toàn vẹn dữ liệu, và khả năng truy cập cho các cơ quan có thẩm quyền.
Bảo mật thông tin cá nhân: Thông tin sức khỏe cá nhân của người bệnh phải được bảo mật tuyệt đối theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hệ thống phải đảm bảo thông tin không bị tiết lộ trái phép, đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật trong quá trình lưu trữ và trao đổi dữ liệu.
Chia sẻ với các bên liên quan: Dữ liệu từ hệ thống thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh có thể được chia sẻ với các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở y tế, và các tổ chức có thẩm quyền, nhằm phục vụ cho công tác quản lý, thống kê, và nghiên cứu y tế. Việc chia sẻ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bảo mật và quyền riêng tư.
Cập nhật và lưu trữ dữ liệu: Dữ liệu hệ thống phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, và kịp thời từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các hình thức thuận tiện, thống nhất.
Hiệu quả và tránh lãng phí: Việc xây dựng, quản lý, và vận hành hệ thống thông tin cần đảm bảo sử dụng nguồn lực hợp lý, tránh trùng lặp chức năng và dữ liệu. Đồng thời, hệ thống phải có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành y tế trong tương lai.
Theo dự thảo, phân quyền cho các cơ quan truy cập, khai thác và sử dụng đúng mục đích thông tin từ hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:
Các Vụ, Cục, Trung tâm thuộc Bộ Y tế được phân quyền truy cập, khai thác và sử dụng đúng mục đích thông tin từ Hệ thống thông tin trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và quyền hạn được phân quyền.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Y tế các Bộ, ngành được phân quyền truy cập, khai thác và sử dụng đúng mục đích thông tin của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc.
Cơ quan bảo hiểm xã hội được liên thông dữ liệu hỗ trợ giám định thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và các chế độ liên quan.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền truy cập và khai thác thông tin của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Dự thảo nêu rõ, việc khai thác và sử dụng thông tin từ hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phải được thực hiện đúng mục đích và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo mật và an toàn thông tin. Cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn thông tin đối với dữ liệu được phân quyền.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn