In bài viết

Đề xuất quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

16/05/2025 15:27
Đề xuất quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục- Ảnh 1.

Hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, xây dựng Nghị định nhằm bảo đảm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan; quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung, biện pháp, điều kiện đảm bảo thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

Bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với nhu cầu nhân lực

Định hướng nghề nghiệp là quá trình hỗ trợ học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông, học viên trong cơ sở giáo dục thường xuyên, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (học sinh) lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, khả năng, sở trường của cá nhân và xu hướng thị trường lao động.

Định hướng phân luồng là quá trình tư vấn, hướng dẫn cho học sinh lựa chọn con đường học tập hoặc nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, năng lực, sở trường và điều kiện cụ thể của cá nhân.

Theo dự thảo, nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phải bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn.

Bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh. Tất cả học sinh được hướng dẫn lộ trình học tập, có thể chuyển đổi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật và được tạo điều kiện học tập suốt đời.

Hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, liên tục. Các hoạt động hướng nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tiễn và tích hợp vào chương trình giáo dục, đào tạo; công tác hướng nghiệp, phân luồng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng và liên thông giữa các luồng giáo dục, đào tạo.

Đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác hướng nghiệp và phân luồng.

Nội dung hướng nghiệp trong giáo dục

Nội dung hướng nghiệp trong giáo dục bao gồm: Giáo dục nhận thức về các con đường học tập và nghề nghiệp; cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của xã hội; đánh giá năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của học sinh; hướng dẫn lập kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với định hướng nghề; phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.

Nội dung giáo dục hướng nghiệp thường xuyên được cập nhật, bổ sung dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục đảm bảo phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, đáp ứng từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quốc gia.

Khung nội dung giáo dục hướng nghiệp được sử dụng trong các cơ sở giáo dục do cơ quan quản lý trực tiếp của các cơ sở giáo dục phê duyệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Định hướng phân luồng trong giáo dục

Trong quá trình giáo dục, học sinh được định hướng phân luồng sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, gồm: Học chương trình giáo dục trung học phổ thông; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình giáo dục thường xuyên; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.

Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông, gồm: Học chương trình đào tạo trình độ đại học; học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.

Biện pháp hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

Việc hướng nghiệp trong giáo dục có thể được thực hiện qua tích hợp, lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện hướng nghiệp thông qua hoạt động giáo dục, hoạt động tư vấn, trải nghiệm thực tế; phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động hướng nghiệp.

Biện pháp phân luồng trong giáo dục bao gồm việc xây dựng các môn học lựa chọn, môn học tự chọn, chuyên đề giáo dục hướng nghiệp và thực hiện trong các cơ sở giáo dục.

Tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh làm cơ sở cho việc định hướng phân luồng hiệu quả tại các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó, tổ chức liên kết giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học nghề hoặc trường trung học kỹ thuật để học sinh được học văn hóa kết hợp với học nghề.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Lan Phương