Ảnh minh họa |
Dự thảo này đề xuất quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (công ty nông, lâm nghiệp nhà nước) được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng trên có nhu cầu khoán và đủ các điều kiện, năng lực về tài chính áp dụng các quy định này và tự quyết định, chịu trách nhiệm về khoán.
Tiêu chí được khoán và nhận khoán
Theo dự thảo, bên khoán và bên nhận khoán phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí sau:
Tiêu chí được khoán: Được Nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất là rừng, vườn cây và mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; có phương án khoán, phương án tổ chức sản xuất kinh doanh.
Tiêu chí được nhận khoán: Hộ gia đình, cá nhân đang cư trú hợp pháp tại địa phương và cộng đồng dân cư thôn theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Luật Đất đai năm 2013, nơi có diện tích khoán và có nhu cầu nhận khoán và hộ gia đình, cá nhân thuộc thôn, bản có đường ranh tiếp giáp với diện tích khoán, được chính quyền địa phương xác nhận. Ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có đề nghị nhận khoán.
Dự thảo nêu rõ những hình thức khoán sau:
1- Khoán ngắn hạn: Đối với rừng đặc dụng, thực hiện khoán bảo vệ rừng ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; khoán trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính, khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng. Đối với vườn cây và mặt nước, diện tích vườn cây lâu năm trong quy hoạch đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và diện tích mặt nước trong rừng phòng hộ, đặc dụng thực hiện khoán sản xuất kinh doanh theo năm, theo thời vụ thu hoạch.
2- Khoán ổn định lâu dài: Rừng đặc dụng, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh để phục hồi rừng và hệ sinh thái rừng. Rừng phòng hộ, thực hiện khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh để phục hồi và làm giàu rừng, tăng chức năng phòng hộ của rừng. Rừng sản xuất là rừng tự nhiên, thực hiện khoán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng bổ sung đối với diện tích rừng nghèo, rừng chưa có trữ lượng, diện tích đất trống có cây gỗ tái sinh tự nhiên để nuôi dưỡng và làm giàu rừng. Mặt nước, thực hiện khoán sản xuất kinh doanh ổn định lâu dài để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Thời hạn và hạn mức khoán
Theo dự thảo, thời hạn khoán ngắn hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa bên khoán và bên nhận khoán, nhưng tối đa không quá 3 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất. Thời hạn khoán ổn định lâu dài áp dụng theo chu kỳ cây trồng hoặc chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc theo thỏa thuận giữa bên khoán và nhận khoán, nhưng tối đa không quá 20 năm và trong thời hạn bên khoán được nhà nước giao, cho thuê đất và tài sản gắn liền trên đất.
Bên khoán căn cứ vào quy mô diện tích khoán và nhu cầu của bên nhận khoán để thỏa thuận và xác định hạn mức khoán phù hợp, trong đó: Hạn mức khoán cho hộ gia đình, cá nhân theo thỏa thuận nhưng không quá 30 ha; hạn mức khoán cho cộng đồng dân cư thôn theo thỏa thuận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn