In bài viết

Đề xuất quy định về người được trợ giúp pháp lý

(Chinhphu.vn) – Tại dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã đề xuất quy định về người được trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm bảo đảm quyền được TGPL của những người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

11/07/2016 15:34

Ảnh minh họa

Bộ Tư pháp cho biết, Điều 10 Luật TGPL 2006 quy định người được TGPL bao gồm: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, quy định về người được TGPL trong Luật TGPL 2006 chưa bao quát hết những người cần được TGPL theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, theo khoản 3 d Điều 14 Công ước về các quyền dân sự, chính trị của Liên Hợp quốc mà Việt Nam là một bên tham gia, nếu người nào không có điều kiện chi trả cho sự giúp đỡ pháp lý thì sẽ nhận được sự TGPL theo chỉ định và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, mức chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Vì vậy, người thuộc hộ cận nghèo cũng không thể đủ tài chính để thuê luật sư khi có vướng mắc pháp luật.

Ngoài ra, diện người được TGPL theo Luật TGPL 2006 chưa tương thích với các đối tượng được quy định trong các Luật có liên quan ban hành sau như nạn nhân bị mua bán theo Luật Phòng chống mua, bán người năm 2011; người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật năm 2010; người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 cũng cần đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, điều chỉnh, pháp điển hóa để bảo đảm triển khai thống nhất.

Nhằm bảo đảm người được TGPL là những người không có khả năng thuê luật sư và những người đã được quy định tại Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính tương thích của hệ thống văn bản pháp luật, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, người có công, dân tộc và các chính sách an sinh xã hội khác, tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất quy định về người được TGPL như sau:

Người được TGPL gồm: 1- Người thuộc hộ nghèo; người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 2- Trẻ em bị buộc tội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; người thuộc hộ cận nghèo; người nhiễm HIV không nơi nương tựa; 3- Nạn nhân theo quy định của pháp luật phòng chống mua bán người. Dự thảo nêu rõ, Chính phủ quy định chi tiết về người được trợ giúp pháp lý.

Theo dự thảo, các đối tượng (1) được trợ giúp pháp lý trong các lĩnh vực pháp luật trừ kinh doanh, thương mại theo các hình thức sau:  Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; hoà giải; tham gia quá trình giải quyết khiếu nại. Các đối tượng (2) được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mà họ là người bị buộc tội. Các đối tượng (3) được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng trong vụ án hình sự mà họ là nạn nhân.

Quyền, nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý

Theo dự thảo, người được TGPL không phải trả tiền hoặc lợi ích khác khi được trợ giúp pháp lý; tự mình hoặc thông qua người thân thích, người đại diện yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp theo quy định; thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý.

Người được TGPL có nghĩa vụ cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu đó; tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý; không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về một vụ việc đang được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trợ giúp; chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn