Dự thảo nêu rõ về danh mục tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Theo đó, tài sản kết cấu hạ tầng hàng không là công trình kết cấu hạ tầng hàng không và đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng hàng không, gồm:
a) Công trình hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.
b) Công trình thuộc kết cấu hạ tầng sân bay, gồm: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình, khu phụ trợ của sân bay; công trình khẩn nguy sân bay và công trình phòng, chống cháy nổ trong sân bay; công trình hàng rào vành đai sân bay, bốt gác và đường giao thông nội cảng trong sân bay; công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong sân bay; bãi tập kết phương tiện, thiết bị mặt đất, khu vực tra nạp nhiên liệu cho phương tiện, thiết bị mặt đất; các công trình khác thuộc khu bay.
c) Công trình phục vụ bảo đảm an ninh hàng không, khẩn nguy sân bay ngoài sân bay.
d) Công trình hàng rào cảng hàng không; đường giao thông nội cảng ngoài sân bay; công trình cấp điện; công trình cấp, thoát nước; công trình chiếu sáng; công trình thông tin liên lạc.
đ) Công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ngoài sân bay.
e) Công trình nhà ga hành khách, nhà khách phục vụ ngoại giao, khu logistics hàng không, nhà ga hàng hóa, kho hàng hoá kèm khu tập kết hàng hóa.
Theo dự thảo, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các nguyên tắc sau đây:
Tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; được tính hao mòn, khấu hao tài sản và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.
Việc giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được căn cứ vào quy hoạch cảng hàng không sân bay, phân loại cảng hàng không, sân bay, kế hoạch đầu tư, phát triển cảng hàng không, sân bay được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp công trình kết cấu hạ tầng hàng không đã được xây dựng trên đất quốc phòng thì khi giao, khai thác, bảo trì, nâng cấp mở rộng, xử lý công trình đó phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.
Khi thực hiện giao, khai thác, xử lý tài sản theo quy định tại Nghị định này, trường hợp tài sản có liên quan đến quốc phòng xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng; trường hợp tài sản liên quan đến an ninh quốc gia xác định theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thì phải có ý kiến của Bộ Công an. Trường hợp tài sản không liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia thì Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý hàng không, cơ quan quản lý tài sản có trách nhiệm xác định tại hồ sơ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, khai thác, xử lý tài sản.
Trường hợp thực hiện bảo trì, đầu tư nâng cấp, mở rộng, khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định tại Nghị định này mà làm ảnh hưởng đến các tài sản kết cấu hạ tầng khác hoặc các tài sản khác thuộc khu vực cảng hàng không, sân bay thì phải có ý kiến của đối tượng được giao quản lý các tài sản có liên quan đó và phải có giải pháp, xác định rõ trách nhiệm để khắc phục.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý, sử dụng đối với đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng hàng không gắn với đất theo quy định của pháp luật đất đai thì việc thu hồi đất gắn với tài sản, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc xử lý tài sản sau khi bồi thường thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc sử dụng quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng hàng không được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương