Theo Bộ KH&CN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP là công cụ hữu hiệu tạo cơ sở pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, hạn chế và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một điểm mới tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP là bổ sung hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với lượng sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ.
Tuy nhiên, chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết nội dung xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ, nên việc xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn chưa thống nhất.
Bộ KH&CN cũng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho thấy các hành vi sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, mới dừng lại ở mức phạt căn cứ vào tổng giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm mà chưa tính đến giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ.
Trong thực tế việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ hết sức phức tạp, đặc biệt đối với hàng hóa có sự trộn lẫn giữa hàng tồn với hàng nhập mới.
Căn cứ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng dự thảo Thông tư quy định chi tiết xác định giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ là cần thiết, tạo cơ sở cho việc thống nhất thực hiện Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.
Bộ KH&CN đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Minh Đức