In bài viết

Đề xuất quy định xử phạt vi phạm đóng mới, phá dỡ tàu biển

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất quy định về xử phạt vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển và hoạt động phá dỡ tàu biển.

26/01/2016 18:11

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển sẽ bị phạt từ 5 – 20 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 5 – 15 triệu đồng đối với hành vi thiếu một trong những trang thiết bị phục vụ nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu biển theo quy định hoặc trang thiết bị không đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây: Không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khi tiến hành đóng mới, sửa chữa tàu biển; không có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Ngoài ra, cơ sở có hành vi vi phạm quy định trên sẽ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 - 6 tháng.

Vi phạm trong hoạt động phá dỡ tàu biển phạt 80 triệu đồng

Theo dự thảo, vi phạm các quy định về hoạt động phá dỡ tàu biển sẽ bị phạt từ 30 – 80 triệu đồng.

Cụ thể, hành vi phá dỡ tàu biển không bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường; không thực hiện phá dỡ tàu biển trong thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 30 – 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm sẽ bị tịch thu giấy phép.

Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây: Không lập kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ đối với từng tàu biển hoặc không có hợp đồng với doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ này về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ từng tàu biển; không bố trí các khu vực để lưu giữ an toàn các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ tàu biển trước khi xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; không xây dựng phương án khắc phục sự cố về môi trường xảy ra trong hoạt động phá dỡ tàu biển; không mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển.

Bên cạnh đó, cơ sở có hành vi vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn từ 3 - 6 tháng. Cơ sở vi phạm còn bị buộc lập kế hoạch thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ đối với từng tàu biển hoặc có hợp đồng với doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ này về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ từng tàu biển; bố trí các khu vực để lưu giữ an toàn các loại chất thải phát sinh từ hoạt động phá dỡ tàu biển trước khi xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng phương án khắc phục sự cố về môi trường xảy ra trong hoạt động phá dỡ tàu biển; mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường liên quan đến hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đối với hành vi vi phạm này.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn