In bài viết

Đề xuất quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

03/11/2023 13:58
Đề xuất quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật  - Ảnh 1.

Đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kết quả điều tra quốc gia trong hai năm 2016 và 2017 về người khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố vào ngày 11/01/2019, Việt Nam có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật và 2,79% trẻ từ 2 đến 17 tuổi có khuyết tật.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển giáo dục nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật đã được chú trọng và đạt được những thành tựu đáng kể. Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng mục tiêu huy động 70% trẻ khuyết tật đến trường trong Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020 chưa thực hiện được. Cùng với đó, đa số trẻ khuyết tật nặng chỉ đi học ở cấp tiểu học. Số năm học trung bình mà trẻ khuyết tật được học trong trường phổ thông thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của học sinh trong cùng độ tuổi, cơ hội cho người khuyết tật tham gia giáo dục xóa mù chữ và giáo dục thường xuyên còn rất thấp.

Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mạng lưới cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật hiện có 48 cơ sở giáo dục chuyên biệt (GDCB); 14 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật công lập thuộc 31 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó có hàng trăm trung tâm, phòng can thiệp, hỗ trợ giáo dục đặc biệt tư thục thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, tổ chức khác nhau, các cơ sở giáo dục cho trẻ khuyết tật, nhất là của tư nhân thành lập theo hướng tự phát, không có quy hoạch; phân bố các cơ sở GDCB dành cho trẻ khuyết tật chưa hợp lý, hầu hết các cơ sở GDCB và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (GDHN) tập trung tại thành phố, vùng đô thị. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng xa không có cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật. Hệ thống trường chuyên biệt chưa có đủ để đáp ứng nhu cầu riêng của từng loại trẻ khuyết tật, trẻ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và trẻ đa khuyết tật. Do đó cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hiện khó thực hiện.

Đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật

Để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho trẻ khuyết tật, cần phải xây dựng, quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở GDCB và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN đồng bộ, phù hợp với thực tiễn giáo dục trẻ em khuyết tật ở các địa phương. Ngày 09/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó, giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức lập Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN.

Quy hoạch hệ thống cơ sở GDCB đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN phải đáp ứng yêu cầu tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các cơ sở GDCB và trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN dành cho người khuyết tật. Đây là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và mục tiêu công bằng xã hội về giáo dục cho mọi người dân.

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận giáo dục có chất lượng cho tất cả người khuyết tật

Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trở thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khác có nhu cầu giáo dục đặc biệt đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và quyền thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng cho tất cả người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khác có nhu cầu giáo dục đặc biệt; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; 

Quy hoạch cũng là cơ sở để đưa ra lộ trình và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn có hiệu quả trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khác có nhu cầu giáo dục đặc biệt;

Đồng thời là cơ sở để khuyến khích, huy động các nguồn lực cộng đồng, xã hội hóa phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khác có nhu cầu giáo dục đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khác có nhu cầu giáo dục đặc biệt, hướng tới mục tiêu công bằng xã hội trong giáo dục người khuyết tật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh