Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại thực hiện theo các bước sau:
1- Tiếp nhận, kiểm tra thông tin và đánh giá nguy cơ sơ bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại; thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em khẩn cấp nếu trẻ em đang bị xâm hại.
2- Thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể, toàn diện và xác định nhu cầu cần can thiệp, trợ giúp các trẻ em bị xâm hại.
3- Xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.
4- Thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.
5- Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại.
Trong trường hợp kết quả đánh giá nguy cơ sơ bộ có trẻ em đang bị tổn hại nghiêm trọng hoặc môi trường sống của trẻ có nguy cơ cao tiếp tục bị tổn hại cần phải xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo vệ khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em bị xâm hại.
Cụ thể: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em bị xâm hại. Phân công trách nhiệm cơ quan tiến hành tách tạm thời trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trong trường hợp trẻ bị tổn hại hoặc bị đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần bởi chính cha, mẹ, người chăm sóc. Phân công cơ quan chịu trách nhiệm bố trí chỗ ăn, ở an toàn tạm thời cho trẻ em trong trường hợp trẻ em bị chính cha, mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột hoặc trẻ em không có nơi ở trong trường hợp là nạn nhân của hành vi mua, bán người. Phân công Y tế cơ sở thực hiện các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời trong trường hợp trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất. Phân công cơ quan làm đầu mối liên hệ, kết nối các dịch vụ để bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiệu quả nhất.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp tách tạm thời trẻ em bị xâm hại trong thời hạn không quá 7 ngày theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Chậm nhất 12 giờ, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp tách tạm thời trẻ em bị xâm hại, gửi trẻ đến nơi chăm sóc thay thế an toàn.
Quyết định tách tạm thời trẻ em bị xâm hại có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho cha đẻ hoặc mẹ đẻ, hoặc người chăm sóc trực tiếp có hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột, sao nhãng trẻ và Công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã.
Dự thảo nêu rõ, việc tách trẻ em đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội cấp huyện hoặc cấp tỉnh được áp dụng theo khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Tiếp tục thực hiện các bước 2,3,4,5 theo quy định trên. Báo cáo đánh giá nguy cơ sơ bộ về tình trạng trẻ em bị xâm hại được thực hiện theo hướng dẫn.
Đánh giá nguy cơ sau can thiệp trợ giúp trẻ em bị xâm hại
Theo dự thảo, công chức Văn hóa - Xã hội cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cán bộ công an, y tế, giáo dục và các đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện các hoạt động sau: Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp trợ giúp trẻ em bị xâm hại nhằm đưa ra các nhận định, kết luận về tình trạng hiện tại của trẻ em sau khi thực hiện các biện pháp can thiệp, trợ giúp.
Nếu trẻ em không còn nguy cơ bị xâm hại, các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ em ổn định, thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để kết thúc quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Trường hợp trẻ em vẫn có nguy cơ bị xâm hại hoặc các yếu tố về thể chất, tâm lý, nhận thức và tình cảm của trẻ chưa ổn định, cần tiếp tục thực hiện can thiệp, trợ giúp; lập Kế hoạch can thiệp, trợ giúp mới trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, theo quy định.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn