In bài viết

Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.

22/08/2024 19:09
Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính- Ảnh 1.

Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô - Ảnh: VGP/LS

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật, cụ thể là “Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. 

Theo đó, có 7 Luật trong quá trình thực hiện có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, gồm: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trên sẽ thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát. Đồng thời thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực của Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô...

Đề xuất tăng tính tự chủ của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp trong việc sử dụng tài sản công

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định trao đổi, thảo luận về các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong 7 Luật. Về chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công. Theo ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều 69, 70 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 đã quy định một trong những điều kiện tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp muốn sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ là lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định. 

Điều 57 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công cũng quy định chỉ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ quản lý nhà nước hoặc ý kiến thống nhất bằng văn bản của UBND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính và cơ quan quản lý nhà nước của tổ chức. 

Tuy nhiên, cả 2 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều chưa có hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục, tiêu chí để người có thẩm quyền thống nhất bằng văn bản việc sử dụng tài sản công được giao vào mục đích kinh doanh.

Đây là một trong những vướng mắc vì trong thực tế, một số tài sản công như trụ sở làm việc chưa hoạt động hết công suất. Để tăng nguồn thu cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, có thể tăng tính tự chủ của các tổ chức này trong việc khai thác tài sản công bằng cách sửa đổi quy định pháp luật theo hướng giao lãnh đạo các tổ chức phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với việc khai thác tài sản công theo hình thức cho thuê, liên doanh, liên kết.

Về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai thuế, ông Hùng bày tỏ quan ngại quy định này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp phải tuân thủ và doanh nghiệp không phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và có tác động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Bên cạnh đó, quy định này cũng chưa thực sự phù hợp với bản chất của sàn thương mại điện tử vì các sàn này chỉ là trung gian giữa người mua và người bán; đồng thời các sàn cũng không kiểm soát toàn bộ dòng tiền do thanh toán trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các hình thức thanh toán.

Đối với việc yêu cầu các doanh nghiệp quy mô lớn, có giao dịch phức tạp, doanh thu lớn kiểm toán báo cáo hàng năm, ông Hùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ vì bản chất của báo cáo kiểm toán tài chính là nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính cũng như việc báo cáo tài chính có được trình bày phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hay không. Kiểm toán độc lập cũng không được giao trách nhiệm giúp cơ quan nhà nước giám sát các doanh nghiệp và truy thu thuế mà đây là nhiệm vụ của kiểm toán nhà nước, thanh tra cơ quan quản lý thuế.

Đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023 đã quy định cho phép sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng thông tin điện tử trên các chứng từ điện tử. Trên thực tế, hiện cũng có nhiều hình thức xác thực khác ngoài chữ ký như mã OTP, FaceID, sinh trắc học. Tại khoản 4 Điều 19 Luật Kế toán 2015 quy định bắt buộc chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét sửa đổi nội dung này để đảm bảo sự nhất quán giữa các quy định pháp luật.

Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 56 Luật Chứng khoán về việc thành viên bù trừ được bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán). 

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề nghị ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh vì nếu tham gia bù trừ trên cả thị trường cơ sở sẽ tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và gây ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.

Đề xuất sửa 7 luật, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong lĩnh vực tài chính- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng kết luận tại phiên họp của Hội đồng thẩm định - Ảnh: VGP/LS

Xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền

Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định  ghi nhận các ý kiến của thành viên Hội đồng và cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến tại Báo cáo thẩm định. Thứ trưởng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc kịp thời xây dựng 18 chính sách để sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật; bám sát theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; trong đó tập trung vào một số vấn đề cấp bách về phân cấp, phân quyền, thủ tục hành chính.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo củng cố thêm nội dung về mối liên quan giữa 7 Luật này, sự phù hợp với điều ước quốc tế và cải cách thủ tục hành chính; đồng thời thuyết minh thêm về tính cấp bách, sự cần thiết để đề xuất xây dựng Luật này theo quy trình rút gọn, thông qua trong 1 kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh đó, trên cơ sở thông báo về ý kiến Kết luận của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiếp thu đa số các nội dung được đề xuất tại Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp nhưng vẫn còn thiếu một số nội dung. 

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ lý do chưa tiếp thu những nội dung còn thiếu như sự chưa thống nhất cách hiểu về lợi nhuận sau thuế giữa Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp; công tác quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và sự minh bạch khi phát hành trái phiếu, chủ động báo cáo Chính phủ.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thứ trưởng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ sở chính trị để ban hành luật là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có chủ trương về hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận; thể chế, chi tiết hoá đầy đủ các nội dung để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương gửi ý kiến góp ý tới Bộ Tài chính.

LS