In bài viết

Đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự

(Chinhphu.vn) – Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

14/01/2014 09:44
Ảnh minh họa

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề xuất quy định cụ thể quyền khiếu nại, tố cáo đối với quyết định, hành vi của Tòa án; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án và các quyền kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định thi hành án của Tòa án. Đồng thời, sửa đổi theo hướng tăng thời hạn giải quyết khiếu nại tố cáo để phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.

Cụ thể, theo dự thảo, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Chánh án Toà án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án, dự thảo cũng bổ sung quy định: Chánh án Toà án cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Chánh án Toà án sơ thẩm khu vực. Chánh án Toà án Tối cao giải quyết khiếu nại đối với hành vi của Chánh án Toà án cấp tỉnh.

Đảm bảo, cưỡng chế thi hành án dân sự

Tại dự thảo, Bộ Tư pháp cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định biện pháp đảm bảo và cưỡng chế thi hành án dân sự.

Cụ thể, dự thảo bổ sung trường hợp người được thi hành án có quyền đề nghị Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế loại tài sản của người phải thi hành án mà họ xác minh được và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Theo Bộ Tư pháp, quy định này nhằm tăng quyền và nghĩa vụ của người được thi hành án; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải thi hành án nếu họ không tự nguyện thi hành án.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể đương sự có quyền thoả thuận thi hành án, trong đó, người được thi hành án được nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, Chấp hành viên lập biên bản về việc thoả thuận và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm căn cứ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung thời hạn phong tỏa tài khoản từ 5 ngày làm việc thành 15 ngày và thời hạn tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự từ 15 ngày thành 30 ngày; thời hạn tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản từ 15 ngày thành 60 ngày để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc xác minh, làm rõ thông tin về tài sản.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn