Ảnh minh họa |
Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội (Điều 89) theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Cụ thể như sau: Thứ nhất, bổ sung nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên trên tinh thần Công ước về Quyền trẻ em. Thứ hai, bổ sung quy định ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự trước khi quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Thứ ba, khẳng định nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên, nhất là hình phạt tù sau khi đã xem xét, cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thể hiện tinh thần nhân đạo tại Điều 37 của Công ước về Quyền trẻ em là việc bắt, giam giữ hay bỏ tù trẻ em chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tiền áp dụng đối người chưa thành niên theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính nếu họ có thu nhập hoặc tài sản riêng, nhằm đa dạng hóa chế tài không giam giữ áp dụng đối với đối tượng này, góp phần khắc phục tình trạng bất cập hiện nay của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành là nếu họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có khả năng phải vào tù hoặc trường giáo dưỡng (Điều 99).
Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS hiện hành theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với người chưa thành niên đối với hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (Điều 102).
Áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự
Tại dự thảo, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung quy định về áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (xử lý chuyển hướng) đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, khi xử lý người chưa thành niên phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng và giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
Bộ Tư pháp cho biết, đây là quy định nhằm mục đích sớm đưa người chưa thành niên ra khỏi quy trình tố tụng hình sự và áp dụng các biện pháp xử lý khác mang tính giáo dục - phòng ngừa xã hội nhằm mục đích chính là giúp cho họ nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn hối cải, khắc phục sai phạm (các Điều từ 90 đến 93).
Dự thảo nêu rõ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự buộc người chưa thành niên phải chấp hành các nghĩa vụ theo quy định.
Trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự cố tình không thực hiện các nghĩa vụ thì cơ quan đã áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự ra quyết định huỷ bỏ việc áp dụng biện pháp này và thủ tục tố tụng hình sự đối với người đó được tiến hành theo quy định chung.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn