In bài viết

Đề xuất sửa quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

15/11/2024 19:34
Đề xuất sửa quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật- Ảnh 1.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngày 14/02/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (Nghị định số 21/2015/NĐ-CP). Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ra đời đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị "về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Những năm tiếp theo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa.

Quá trình tổng kết thi hành pháp luật về nhuận bút, thù lao (tiền bản quyền) đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cũng như lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo nhận thấy một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; phân chia hợp lý các mức và khung nhuận bút, thù lao (tiền bản quyền) để phù hợp với khả năng ngân sách của từng bộ, ngành, địa phương và đảm bảo phù hợp công sức đóng góp của các thành phần sáng tạo; vấn đề đưa vào khai thác, sử dụng các quyền tác giả, quyền liên quan mà Nhà nước là đại điện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý; việc quản lý, sử dụng khoản tiền bản quyền thu được từ khai thác, sử dụng này; hay việc chi trả nhuận bút (tiền bản quyền) khuyến khích;…

Từ những lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung một số khoản về nguyên tắc trả tiền bản quyền

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 về nguyên tắc trả tiền bản quyền: sửa đổi quy định việc xác định mức tiền bản quyền, việc phân chia tiền bản quyền giữa các đồng chủ sở hữu quyền tác giả; mở rộng quy định về trả tiền bản quyền khuyến khích trong giai đoạn sáng tạo tác phẩm và giai đoạn tác phẩm được khai thác, sử dụng mà có lợi nhuận; sửa đổi quy định về trả tiền bản quyền đối với trường hợp làm tác phẩm phái sinh; bổ sung quy định nguyên tắc về trường hợp tác phẩm được khai thác, sử dụng thì tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận trên cơ sở doanh thu bán vé, lợi nhuận thu được (nếu có), đồng thời quy định việc quản lý, sử dụng khoản tiền bản quyền thu được trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Điều 5 về tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh: bỏ quy định loại hình "phim phóng sự" và bổ sung "phim kết hợp nhiều loại hình" để phù hợp với định nghĩa "phim" quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022; sửa đổi các chức danh họa sĩ, bổ sung chức danh quay phim, biên tập phim và nâng một số mức tiền bản quyền tương ứng đối với loại hình "phim truyện"; bổ sung chức danh biên tập phim và nâng mức tiền bản quyền của người dựng phim đối với loại hình "phim tài liệu, phim khoa học"; sửa đổi một số chức danh họa sĩ đối với loại hình "phim hoạt hình", phù hợp với thực tiễn việc sản xuất phim hiện nay; bổ sung quy định nguyên tắc trả tiền bản quyền đối với đối tượng mới là "phim kết hợp nhiều loại hình".

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 6: tiền bản quyền khuyến khích đối với tác giả tác phẩm điện ảnh sẽ do Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước đánh giá, xác định; việc trả tiền bản quyền cho diễn viên điện ảnh và những người thực hiện công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh theo định mức kinh tế - kỹ thuật, trường hợp không có thì thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận.

Sửa đổi, bổ sung Điều 8 về tiền bản quyền khi trưng bày, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: bổ sung 1 mục quy định quy mô trưng bày, triển lãm cấp "quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh" thì mức tỷ lệ % hưởng tiền bản quyền bằng khoảng 1/2 mức tỷ lệ % áp dụng đối với quy mô "tỉnh, thành phố", phù hợp với thực tiễn chi trả tại các địa phương hiện nay; sửa đổi quy định trường hợp trưng bày, triển lãm không mang tính thương mại thì tiền bản quyền do các bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn 50% của mức thấp nhất và không vượt quá mức cao nhất của biểu mức; bổ sung quy định trường hợp tác phẩm nhiếp ảnh phái sinh.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 12 về các quy định khác về tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác: bổ sung một số chức danh hưởng tiền bản quyền đối với tác phẩm sân khấu, âm nhạc, múa, chương trình nghệ thuật tổng hợp, quy định dẫn chiếu theo định mức kinh tế - kỹ thuật, trường hợp không có thì thực hiện theo hợp đồng thỏa thuận; bổ sung quy định trường hợp các tác phẩm được sáng tạo độc lập trong chương trình nghệ thuật tổng hợp thì có thể áp dụng quy định về chi trả tiền bản quyền cho các loại hình tác phẩm tương ứng tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định này (ví dụ: tác phẩm múa, âm nhạc,…).

Ngoài ra, quy định việc bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, bãi bỏ Điều 3 của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và thực tiễn thi hành.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Kim Huệ