In bài viết

Đề xuất sửa quy định xử phạt VPHC về văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.

10/05/2016 18:40

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, qua thực tế hơn 2 năm đi vào cuộc sống, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Nhiều hành vi mới xuất hiện do có những căn cứ pháp lý mới được ban hành như Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo…

Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng nhưng mức phạt tiền còn thấp, vì vậy không đảm bảo được tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên lại có một số hành vi có mức phạt tiền cao không khả thi với thực tế hoặc một số hành vi không được quy định tách bạch khi chủ thể có hành vi vi phạm cần phải được quy định lại và xác định rõ chủ thể của hành vi.

Những vấn đề đó cần phải được giải quyết bằng việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị định trên với mục đích hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của 2 Nghị định này nhằm mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xử lý vi phạm hành chính cho Thanh tra chuyên ngành, các lực lượng có thẩm quyền xử phạt và công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, tạo cơ sở đầy đủ để làm căn cứ thực hiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo, đảm bảo sự bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo. Bên cạnh đó, đảm bảo cho quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo và đảm bảo cho các quyền, nghĩa vụ này được thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để…

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra

Theo dự thảo, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng. Bên cạnh đó, tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền 500.000 đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Chánh Thanh tra sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Chánh Thanh tra Cục Hàng không, Chánh Thanh tra Cục Hàng hải có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 50 triệu đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền phạt tiền đến 175 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 175 triệu đồng; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Chánh Thanh tra bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản có quyền phạt tiền đến 250 triệu đồng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn