In bài viết

Đề xuất tách bạch tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

(Chinhphu.vn) - Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải đường sắt thì doanh nghiệp phải trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; tài sản sử dụng vào mục đích khác thì doanh nghiệp phải trả giá sử dụng tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

27/09/2024 13:40
Đề xuất tách bạch tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt- Ảnh 1.

Bộ GTVT đề xuất chính sách sửa đổi nhằm tách bạch tài sản KCHT đường sắt do nhà nước đầu tư và tài sản của doanh nghiệp đầu tư trên đất dành cho đường sắt và cơ chế quản lý, bảo trì tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công - Ảnh: Internet

Bộ GTVT đang xin ý kiến đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó đề xuất sửa đổi chính sách để quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt hiệu quả.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT quy định cụ thể trách nhiệm quản lý tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt do Nhà nước đầu tư.

Theo đó, Chính phủ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt quốc gia.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản KCHT đường sắt địa phương do mình đầu tư; Cơ quan, tổ chức được giao quản lý, cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn tài sản có trách nhiệm quản lý, sử dụng, khai thác, bảo trì và bảo vệ tài sản theo quy định của pháp luật.

Dự thảo cũng bổ sung quy định "Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác và danh mục tài sản KCHT đường sắt do Nhà nước đầu tư".

Đại diện Cục Đường sắt cho biết, việc sửa đổi, bổ sung chính sách này nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Đường sắt 2017 hiện hành; tạo thuận lợi cho quản lý, khai thác hiệu quả tài sản hạ tầng.

Luật Đường sắt 2017 còn nhiều bất cập

Luật Đường sắt 2017 phân loại tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư gồm tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu và tài sản KCHT không trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Nhưng thực tế cho thấy, phân loại như vậy khó thực hiện vì nhiều tài sản không thể phân loại vào nhóm trực tiếp hay không trực tiếp liên quan đến chạy tàu như: kho bãi, đường bộ trong ga…

Mặt khác, theo Nghị định số 46/2018 quy định về danh mục tài sản KCHT đường sắt quốc gia và kết quả thống kê tài sản KCHT đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư cho thấy: Toàn bộ tuyến đường sắt, cầu, cống, hầm, kè, tường chắn, đường ngang; hàng rào ngăn cách giữa đường sắt quốc gia và đường bộ; đường vào khu ga nằm trên đất dành cho đường sắt; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống thông tin tín hiệu; hệ thống điện… là tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu.

96% tổng số tài sản công trình kiến trúc là tài sản KCHT đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Tài sản không liên quan trực tiếp đến chạy tàu chỉ chiếm 4% tổng số tài sản công trình kiến trúc. Do đó, việc phân loại tài sản như Luật Đường sắt 2017 quy định không có ý nghĩa nhiều trong hoạt động thực tiễn.

"Hiện hiệu quả khai thác tài sản đường sắt còn ở mức thấp, chưa tương xứng với quy mô khối tài sản. Cơ chế khai thác chưa gắn với thị trường, vì quy định phí sử dụng hạ tầng đường sắt là 8% trên doanh thu vận tải cho tất cả các chuyến tàu.

Ngoài ra, trên thực tế chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết tài sản KCHT đường sắt nào khi sử dụng cho vận tải đường sắt thuộc đối tượng tính phí sử dụng KCHT đường sắt, tài sản nào thuộc đối tượng tính giá thuê sử dụng. Do vậy, với những tài sản vừa sử dụng để kinh doanh vận tải, vừa cho thuê, các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt sẽ đồng thời phải trả cả phí sử dụng và giá cho thuê KCHT đường sắt, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải đường sắt", đại diện Cục Đường sắt cho hay.

Tách bach tài sản KCHT đường sắt

Trước thực tế này, Bộ GTVT đề xuất chính sách sửa đổi nhằm tách bạch tài sản KCHT đường sắt do nhà nước đầu tư và tài sản của doanh nghiệp đầu tư trên đất dành cho đường sắt và cơ chế quản lý, bảo trì tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Tài sản KCHT đường sắt sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải đường sắt thì doanh nghiệp phải trả phí sử dụng KCHT đường sắt; tài sản sử dụng vào mục đích khác thì doanh nghiệp phải trả giá sử dụng tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao cho đối tượng quản lý tài sản KCHT đường sắt; quy định rõ chủ thể quản lý tài sản KCHT đường sắt quốc gia theo hướng: Đối với các tuyến đường sắt được đầu tư xây dựng mới mới sẽ do nhà nước quản lý; đối với đường sắt hiện hữu giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác; sửa đổi phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cho phù hợp với thực tiễn.

"Cùng với quy định chung trong Luật sửa đổi, tiếp theo, tại các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Luật sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định cụ thể về giao, cho thuê, chuyển nhượng tài sản KCHT đường sắt để quản lý, khai thác hiệu quả", đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thông tin.

Phan Trang