Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, đối với mặt hàng bia: Trước ngày 1/1/2010, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia được phân biệt theo loại bia: Bia chai, bia lon áp dụng thuế suất 75% có trừ vỏ lon; bia tươi, bia hơi áp dụng 30% trong năm 2006, 2007 và 40% trong năm 2008.
Năm 2008, thực hiện yêu cầu gia nhập WTO, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 quy định áp dụng thống nhất một mức thuế suất đối với tất cả loại bia là 45% từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013. Việc thống nhất mức thuế suất, qua đó điều chỉnh giảm thuế suất đối với bia chai từ 75% xuống 45% - 50% là nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất bia nhỏ của địa phương tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương.
Qua 5 năm thực hiện, trên cả nước đã hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, gia công bia tại các địa phương, tạo cơ sở vững chắc cho ngành bia (Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội có 10 công ty con tại các địa phương, Tổng công ty cổ phần bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn có 5 công ty con,...).
Đối với rượu, Bộ Tài chính cho biết, trước ngày 1/4/2009, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu được phân biệt theo loại rượu như sau: Rượu từ 40 độ trở lên 65%; rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ 30% và rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc 20%.
Năm 2008, theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, rượu từ 20 độ trở lên áp dụng 45% từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 31/12/2012 và 50% từ ngày 1/1/2013; rượu dưới 20 độ áp dụng 25% từ ngày 1/4/2009.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, việc hạ thuế suất đối với mặt hàng bia đã làm tăng sức mua (tiêu thụ) đối với bia, rượu. Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Bộ Công Thương phê duyệt thì: Năm 2010 sản lượng sản xuất đạt 2,5 tỷ lít bia, 80 triệu lít rượu công nghiệp; đến năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 4 tỷ lít bia, 188 triệu lít rượu công nghiệp, sản lượng sản xuất đạt 6 tỷ lít bia, 440 triệu lít rượu công nghiệp.
Năm 2013, lượng rượu bia tiêu thụ là 3 tỷ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người, lượng tiêu thụ này khiến Việt Nam trở thành "quán quân uống bia" ở khu vực ASEAN và thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản và đứng thứ 28 trên thế giới về lượng tiêu thụ rượu, bia.
Việc sử dụng quá nhiều rượu, bia gây nên tác hại đến sức khỏe, ngoài ra còn là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác như: Bạo lực cá nhân, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm và tai nạn giao thông vào các dịp lễ tết,... Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng quá nhiều rượu, bia, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, cụ thể như sau:
Đối với mặt hàng bia: Nâng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ 50% lên 65% từ ngày 1/7/ 2015. Bộ Tài chính dự kiến số thu ngân sách như sau: Năm 2016 tăng 7.800 tỷ; năm 2017 tăng 9.000 tỷ đồng; năm 2018 tăng 10.300 tỷ đồng.
Đối với mặt hàng rượu: Rượu từ 20 độ trở lên tăng từ mức thuế suất 50% lên thuế suất 65% (áp dụng thuế suất như rượu từ 40 độ trở lên đã thực hiện trước ngày 1/1/2010); đối với rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Dự kiến sẽ tăng thu ngân sách nhà nước như sau: Năm 2016: 389 tỷ đồng; năm 2017: 447 tỷ đồng; năm 2018: 514 tỷ đồng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Thanh Hoài