In bài viết

Đề xuất thành lập UB quản lý, giám sát vốn và tài sản NN tại DN

(Chinhphu.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó, Bộ đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

18/07/2016 12:34

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, Chính phủ thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nhằm mục tiêu quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả và sử dụng nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức mạnh quốc gia và phúc lợi xã hội.

Cụ thể, nhằm thực hiện đầy đủ, hiệu quả, chuyên trách, chuyên nghiệp quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, tách biệt chức năng chủ sở hữu ra khỏi các chức năng khác của nhà nước trong nền kinh tế; cải cách, cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản trị tài sản nhà nước theo thông lệ kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập; đổi mới cách thức quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp theo quy luật thị trường, sử dụng được một cách tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao về dài hạn và cần có vai trò của Nhà nước.

Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực. Ủy ban không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chịu sự đánh giá, giám sát của Chính phủ, của Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ làm đại diện chủ sở hữu nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị tài sản và vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; chịu sự đánh giá, giám sát của nhân dân, báo chí, truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội trong đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, trong thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp.

Ủy ban qiúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; tập trung nguồn vốn nhà nước đang đầu tư tại doanh nghiệp để đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực chiến lược, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Chức năng của Ủy ban là đầu tư và quản lý danh mục tài sản, vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiêp trên nguyên tắc bảo toàn và tối đa hóa giá trị tài sản, vốn đầu tư nhà nước được giao quản lý; chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý, trừ các quyền thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và các luật có liên quan; trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chính sách sở hữu nhà nước; tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.

Cơ cấu tổ chức

Theo dự thảo, Ủy ban có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban; các Phó Chủ tịch giúp việc Chủ tịch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch và trước pháp luật về lĩnh vực được phân công. Chủ tịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi miễn người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc.

Cơ cấu tổ chức Ủy ban gồm: 1- Ban Đầu tư tài chính; 2- Ban Phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; 3- Ban Đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng; 4- Ban Công nghệ thông tin và truyền thông; 5- Ban Công nghiệp chế tác; 6- Ban Đầu tư và Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; 7- Văn phòng Ủy ban; 8- Tổ chức Đảng, Công đoàn và các tổ chức chính trị- xã hội khác; 9- Hội đồng tư vấn độc lập gồm các chuyên gia kinh tế, quản lý doanh nghiệp độc lập; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Lãnh đạo Ủy ban trong việc rà soát, có ý kiến trước khi Lãnh đạo Ủy ban ban hành cơ chế, chính sách đối với khối doanh nghiệp do Ủy ban trực tiếp quản lý; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Dự kiến 30 doanh nghiệp chuyển giao

Dự thảo cũng dự kiến danh sách doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp chuyển giao cho cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước gồm:

1. Tập đoàn Dệt May Việt Nam

2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3. Tập đoàn Điện lực Việt Nam

4. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

5. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản

6. Tập đoàn Bưu chính -Viễn thông Việt Nam

7. Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam

8. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

9. Tập đoàn Bảo Việt

10. Tổng công ty Cà phê

11. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước

12. Tổng công ty Đường sắt

13. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

14. Tổng công ty Hàng không Việt Nam

15. Tổng công ty Lương thực miền Bắc

16. Tổng công ty Lương thực miền Nam

17. Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam

18. Tổng công ty Giấy Việt Nam

19. Tổng công ty Thép Việt Nam

20. Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

21. Tổng công ty Sông Đà

22. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)

23. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện

24. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

25. Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp

26. Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp

27. Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam

28. Tổng công ty Dược Việt Nam

29. Tổng công ty Rượu-  Bia - Nước giải khát Sài Gòn

30. Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội.

Bộ Tài chính cho biết, hiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nghị định này có nội dung chủ yếu là quy định về quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và Người đại diện trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước. Hiện nay, cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước theo Nghị định định số 99/2012/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định của một số luật mới ban hành trong thời gian qua.

Thêm vào đó, đánh giá thực trạng quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cho thấy, việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước một cách chia tách, phân tán làm cho Nhà nước, với tư cách là chủ sở hữu, chưa thực hiện đầy đủ, hiệu quả và hiệu lực tất cả các quyền chủ sở hữu của mình tại doanh nghiệp, đồng thời, không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đồng thời tham khảo kinh nghiệm tốt của thế giới về vấn đề này, theo Bộ Tài chính việc hình thành bộ máy chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả của vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Tuệ Văn