Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè 2022, sản lượng khách nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng 40-42% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm trước dịch).
Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức chiều 24/2, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết đến tháng 12/2022, bay quốc tế mới bằng 50% thời điểm trước dịch. Thị trường quốc tế chiếm 40% lượng khách nhưng lại đem về 60% doanh thu. Thế nên, ông Thành cho rằng “nói hàng không phục hồi chưa hẳn đúng".
“Chúng tôi không đồng ý với nhận định, thị trường hàng không đã phục hồi. Theo kịch bản dự báo lạc quan nhất thì hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải hết năm 2024 mới có thể phục hồi như năm 2019. Trong khi đó, các hãng hàng không Việt đều đang rơi vào cảnh khốn khó, không biết có thể “sống” được hết năm 2024 chờ hàng không phục hồi hoàn toàn hay không?”, đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm của “anh cả” Vietnam Airlines, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng cho hay, trong khi việc khôi phục đường bay đến Trung Quốc gặp khó khăn vì trong danh sách 20 quốc gia được Trung Quốc cấp visa khách du lịch theo đoàn thì không có Việt Nam, thì qua khảo sát, tại thị trường Nhật Bản, người dân cũng hạn chế đi du lịch ra ngoài. Đây cũng được nhận diện là một trong những khó khăn đáng kể trong quá trình phục hồi hàng không Việt Nam.
Về phía Vietjet Air, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho rằng: “Trong khi các hãng hàng không trên thế giới đã bắt đầu báo lãi sau dịch thì các hãng hàng không Việt vẫn chìm ngập trong vấn đề thanh khoản yếu. Giá vé bị giới hạn trần, lãi suất ngân hàng rồi việc vay vốn ngân hàng của các hãng hàng không cũng không thuận lợi… các yếu tố này khiến hàng không loay hoay phục hồi”.
Đề xuất bỏ “vòng kim cô”
Trong bối cảnh hàng không Việt thua lỗ liên miên thì các hãng hàng không cũng như các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận: Cần thiết tháo bỏ “vòng kim cô” về giá trần vé máy bay nội địa đã áp lên các doanh nghiệp từ lâu nay.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa thông tin, theo dự báo, cuối năm 2023 hàng không Việt Nam mới phục hồi được 85% và khoảng cuối năm 2024 mới phục hồi được như năm 2019.
Dù vậy, các doanh nghiệp hàng không trong 3 năm qua (2020, 2021 và 2022) đều trong cảnh thua lỗ năm này qua năm khác. Riêng Vietnam Airlines năm 2022 lỗ hơn 10.000 tỷ đồng, lũy kế đến nay lỗ hơn 34.000 tỷ đồng. Còn Bamboo Airways hiện số lỗ lũy kế cũng lên 6.800 tỷ đồng, Vietjet Air năm 2022 lỗ hơn 2.200 tỷ đồng.
Theo Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT, khung giá vé máy bay nội địa hạng phổ thông cơ bản được ban hành từ năm 2015, áp dụng cho 5 nhóm đường bay, với mức giá vé 1,6-3,75 triệu đồng/vé/chiều (tùy cự ly), chưa bao gồm các khoản phí và phụ thu khác.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất bỏ trần giá vé máy bay với các đường bay có sự cạnh tranh của từ 3 hãng trở lên sẽ giúp các hãng hàng không chủ động hơn trong việc triển khai dải giá vé linh hoạt theo từng giai đoạn.
Cho rằng, hiện nay, các yếu tố hình thành và thay đổi giá rất nhanh, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cùng với quá trình hội nhập sâu, việc bỏ giá trần giá vé máy bay sẽ góp phần tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
"Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đã có sức cạnh tranh khá cao, không còn là độc quyền nữa, do đó đã đến lúc cân nhắc bỏ giá trần nhưng có điều kiện. Nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác. Việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng", chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Đồng tình với quan điểm trên, theo chuyên gia Lương Hoài Nam, thị trường sẽ quyết định giá vé. Việc duy trì giá trần đồng nghĩa tước đi cơ hội tăng doanh thu, lợi nhuận của các hãng. Chưa kể vô hình chung kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa khi số lượng giá vé rẻ ít đi.
"Trước đây, khi chỉ có Vietnam Airlines, Pacific thì việc khống chế giá trần có lý để ngăn nguy cơ độc quyền. Còn hiện nay, khi chúng ta đã có 5 hãng, khống chế giá trần là vô lý. Thị trường lành mạnh khi thị trường có sự cạnh tranh", ông Nam nói.
Phân tích thêm, ông Nam cho biết: “Theo khảo sát, thị trường hàng không Việt Nam chỉ sôi động trong 2 giai đoạn ngắn là dịp cao điểm Hè và Tết Nguyên đán. Trong đó, dịp Tết Nguyên đán thì chỉ đông 1 chiều, hãng nào cũng phải bay lệch. Nếu bỏ giá trần đi thì các hãng hàng không có cơ hội tăng thu hợp lý, cải thiện tài chính và cũng tăng cơ hội mua vé giá rẻ cho người dân”.
Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT sớm điều chỉnh giá vé máy bay dựa trên các quy định hiện hành. Ông Quân cũng cho rằng: Việc bỏ giá trần hoặc nâng giá trần sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, mà chúng ta có cơ hội đa dạng các mức vé, làm cho thị trường hàng không lành mạnh hơn. Việc này làm cho thị trường vận tải hàng không phát triển và phát triển lành mạnh chứ không phải triệt tiêu đi.
Phan Trang