Cụ thể, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất triển khai cơ chế thí điểm chính sách miễn trừ để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.
Đây là chủ trương đột phá cho phép các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có rủi ro thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Chủ tịch Tập đoàn Viettel cũng chia sẻ, tính chất dự án đầu tư mạo hiểm là độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, bù đắp được chi phí bỏ ra, thúc đẩy phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới đôi khi không chỉ dựa trên hiệu quả tài chính.
"Trong nghiên cứu khoa học, thất bại không phải là thất bại nếu chúng ta có một bài học để lần sau thành công hơn. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành", ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng đề xuất tập trung nguồn lực cho các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, an ninh lưỡng dụng. Kinh nghiệm của Viettel cho thấy, cần tập trung dự án có tầm quy mô lớn, không phân tán, phân mảnh, quy mô nhỏ.
Đề xuất cơ chế đặc biệt trong tiếp cận, mua bán công nghệ tiên tiến
Tập đoàn Viettel cũng đề xuất triển khai cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua bán các công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Theo kinh nghiệm của Viettel, cái khó nhất hiện nay là đánh giá và xác định giá trị của các công nghệ này, do đây là công nghệ đặc thù, độc quyền rất khó tham chiếu và so sánh.
Vì vậy, Viettel đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn về nguyên tắc đánh giá và xác định giá trị của công nghệ trong quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Dịp này, lãnh đạo Viettel cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm hình thành hướng dẫn sử dụng quỹ đầu tư phát triển công nghiệp để kịp thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra trong các chiến lược phát triển quốc gia.
"Thủ tướng đã giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo Viettel xây dựng một đề án trình Chính phủ trong năm 2025 về xây dựng một nhà máy đúc chip bán dẫn quy mô vừa và nhỏ. Chúng tôi đã làm việc với các hãng bán dẫn trên thế giới, quy mô về nguồn tiền rất lớn, chúng tôi mong quỹ chiến lược này sớm hình thành và hướng dẫn cho các đơn vị có điều kiện thực hiện nhiệm vụ".
Liên quan đến giải pháp hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ông Tào Đức Thắng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần hợp tác với các công ty lớn, hàng đầu trên thế giới.
Qua thực tiễn triển khai hợp tác với các công ty công nghệ lớn, đối tác đề xuất những chính sách ưu đãi chưa có tiền lệ ở Việt Nam như hỗ trợ một phần xây dựng nhà máy của họ tại nước ta. Để doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, chúng ta cần có chính sách như vậy.
Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn Viettel, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, cùng với sự điều hành sát sao của Bộ TT&TT, các Nghị quyết, chiến lược đặt ra đến năm 2025, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện qua các con số như 70% thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ trọng kinh tế số trong GDP năm 2024 ước tính đạt gần 19%; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh trên toàn quốc đạt gần 90%; tỷ lệ số hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đã đạt 83%,…
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ ban hành ,cũng đã xác định vai trò hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế, là nền tảng để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển hạ tầng số (ICT Development Index) của ITU, Việt Nam đạt 85/100 điểm, đứng thứ 72/170 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 5/11 trong Asean sau Singapore, Brunei, Malaysia và Thái Lan.
Với mục tiêu tiếp tục nâng cao thứ hạng phát triển hạ tầng số Việt Nam, đảm bảo hạ tầng số Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn và bền vững ngang tầm với các nước phát triển, tương đương nằm trong Top 30 quốc gia dẫn đầu về chỉ số phát triển hạ tầng số, Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định những mục tiêu rất cụ thể đến năm 2030.
Đó là mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; 100% người sử dụng có khả năng truy nhập internet cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; triển khai các Trung tâm dữ liệu với tổng công suất đạt mức 870MW; triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới, trong đó có ít nhất một tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ…
Hiền Minh