In bài viết

Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo tại 15 tỉnh, thành phố

(Chinhphu.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo tại một số tỉnh, thành phố.

04/08/2023 14:20
Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo tại 15 tỉnh, thành phố - Ảnh 1.

Đề xuất thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo tại 15 tỉnh, thành phố

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục mầm non (GDMN) còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để phát triển trong giai đoạn mới.

Cụ thể, công tác sắp xếp, bố trí trường lớp vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống trường mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường, đặc biệt là những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư.

Việc thiếu phòng học, cơ sở vật chất thiết bị, đặc biệt là thiếu đội ngũ giáo viên buộc một số địa phương chỉ tập trung huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, trong khi trẻ em mẫu giáo từ 3-4 tuổi và trẻ em nhà trẻ được huy động đến cơ sở GDMN còn ở mức thấp, nhiều trẻ em đến 5 tuổi mới được tiếp cận với GDMN. Do đó, còn có khoảng cách đáng kể về GDMN giữa các vùng miền, việc chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào học lớp một ở nhiều nơi còn lúng túng; cả nước còn gần 8% trẻ em mẫu giáo và 71,8% trẻ nhà trẻ chưa được tiếp cận giáo dục.

Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT) ở nhiều nơi chưa được duy trì bền vững do tỷ lệ trẻ em mẫu giáo độ tuổi 3-4 tuổi đi học còn thấp. Tại các vùng khó khăn, trẻ em được tiếp cận GDMN muộn so với độ tuổi. Các điều kiện bảo đảm chất lượng toàn diện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp một các nơi khó khăn, chưa đáp ứng với yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, qua kết quả báo cáo, đánh giá của các địa phương cho thấy bên cạnh đa số địa phương đồng tình, muốn sớm được thực hiện, một số tỉnh, thành phố khác còn băn khoăn về nguồn lực và các điều kiện về cơ sở vật chất, cơ chế xã hội hóa thu hút đầu tư vào GDMN, nguồn tuyển giáo viên và cơ chế tuyển dụng để triển khai phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo. Cụ thể: Chính sách cho trẻ em mẫu giáo, giáo viên dạy các lớp mẫu giáo còn thiếu, chưa đầy đủ; chính sách hỗ trợ phát triển các loại hình trường, lớp còn hạn chế; cơ chế để bố trí đội ngũ giáo viên mầm non chưa phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là với các trường, điểm trường vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 mới chỉ quy định phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) trên phạm vi toàn quốc.

Từ những lý do trên, việc đề xuất xây dựng Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết nhằm nâng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mẫu giáo theo Chương trình GDMN khi thực hiện phổ cập.

Chính sách áp dụng với trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi tại 15 tỉnh, thành phố

Theo dự thảo, Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi, thu hút đối với giáo viên, trẻ em mẫu giáo học tại các cơ sở GDMN trong độ tuổi 3-4; 4-5 tuổi tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo.

Đối tượng áp dụng là: Cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; tổ chức xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu. Trẻ em trong độ tuổi phổ cập GDMN từ 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi.

Đầu tư tài chính, ngân sách nhà nước cho cơ sở thực hiện phổ cập GDMN

Các đơn vị thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo được phân bổ thêm tối thiểu 45% số chi tính theo định mức dân số đối với trẻ em mẫu giáo theo các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán năm 2024 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này. Số chi tăng thêm được bố trí cho nhiệm vụ thực hiện phổ cập GDMN, chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo trong các cơ sở GDMN.

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để các cơ sở GDMN được hưởng và sử dụng toàn bộ phần vốn được tăng thêm theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

Các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế để thực hiện phổ cập GDMN

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo bố trí đủ quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, các công trình, tiện ích phụ trợ đáp ứng nhu cầu phổ cập giáo dục mẫu giáo cho trẻ em trên địa bàn.

Các cơ sở GDMN dân lập, tư thục thực hiện phổ cập GDMN được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự án đầu tư trong lĩnh vực GDMN bao gồm đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm phục vụ dạy học, giáo dục trẻ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 10 năm tiếp theo.

Dự án đầu tư chăm sóc trẻ, hỗ trợ chăm nuôi bán trú (phục vụ ăn, ngủ trưa, đưa đón trẻ) được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 20 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 10 năm tiếp theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh