Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang được áp dụng theo Thông tư số 49/2014/TT-BNNPTNT ngày 23/12/2014. Theo Thông tư này, nội dung và thời hạn giám định chưa được quy định cụ thể, tương ứng với từng loại việc giám định để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại dự thảo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định. Trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thì thời gian từ khi cá nhân, tổ chức thực hiện giám định đề nghị bổ sung đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.
Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tối đa là 3 tháng.
Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp, có từ 2 nội dung giám định khác nhau trở lên liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa là 4 tháng.
Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá 1/2 thời hạn giám định tối đa nêu trên đối với vụ việc giám định có tính chất phức tạp, khối lượng công việc lớn.
Trường hợp khi có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở xác định việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
* Giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm hoạt động giám định về chuyên môn trong các ngành, lĩnh vực: trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng, chống thiên tai; an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối và các ngành, lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn