In bài viết

Đề xuất tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng cung cấp dịch vụ giám định di vật, cổ vật

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ giám định tài liệu, di vật, cổ vật phục vụ công tác quản lý và hoạt động của bảo tàng (sau đây gọi là dịch vụ sự nghiệp công).

30/09/2022 15:11
Đề xuất tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng cung cấp dịch vụ giám định di vật, cổ vật - Ảnh 1.

Cung cấp dịch vụ giám định tài liệu, di vật, cổ vật phục vụ công tác quản lý và hoạt động của bảo tàng

Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để bảo tàng xây dựng nội dung chi, mức chi cho việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí hằng năm. Đây cũng là căn cứ để cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về bảo tàng đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của bảo tàng, làm cơ sở cho việc đầu tư kinh phí của bảo tàng.

Định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại Thông tư này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ để hoàn thành thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Thông tư này. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan, đơn vị xem xét để xác định định mức cho phù hợp, làm cơ sở để xây dựng dự toán kinh phí.

Đánh giá chất lượng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công

Dự thảo quy định: Căn cứ mục đích đánh giá, thẩm quyền và nội dung đánh giá thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Kết quả đánh giá được xếp loại như sau: a- Dịch vụ được đánh giá tốt khi đạt tối thiểu 90% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; b- Dịch vụ được đánh giá khá khi đạt tối thiểu 85% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; c- Dịch vụ được đánh giá đạt khi đạt tối thiểu 80% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ.

Tiêu chí đánh giá chất lượng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công gồm: 

1. Tính thống nhất: Bảo đảm việc cung cấp dịch vụ được triển khai thống nhất trong hệ thống bảo tàng về nội dung hỗ trợ, quy trình, cách thức triển khai. 

2. Tính cập nhật, kịp thời: Bảo đảm việc cập nhật các quy định pháp luật và quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành có liên quan. 

Các hoạt động dịch vụ giám định tài liệu, di vật, cổ vật phục vụ công tác quản lý và hoạt động của bảo tàng thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 22/2011/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện thành lập và hoạt động cơ sở giám định cổ vật và Thông tư 02/2017/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật. 

3. Tính khoa học: Bảo đảm việc giám định tài liệu, di vật, cổ vật được thực hiện theo đúng quy trình của khoa học chuyên ngành có liên quan và cho kết quả chính xác.

Về tiêu chuẩn chất lượng, dự thảo quy định phải bảo đảm 100% tài liệu, di vật, cổ vật được giám định với kết quả và kết luận chuyên môn chính xác. Bảo đảm 100% tài liệu, di vật, cổ vật được lưu giữ và bàn giao an toàn trong quá trình tổ chức giám định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuyết Hoa