In bài viết

Đề xuất tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực văn hóa

(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập hội đồng giám định trong lĩnh vực văn hóa.

29/03/2021 15:09
 
 Ảnh minh họa - Internet

Dự thảo Thông tư này quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp như sau: 1- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt. 2- Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo sau đây: a- Mỹ thuật; b- Mỹ thuật ứng dụng; c- Nghệ thuật trình diễn; d- Nghệ thuật nghe nhìn; đ- Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam; e- Nhân văn; g- Xã hội học và nhân học; h- Thư viện; i- Bảo tàng; k- Luật; l- Chuyên ngành khác có liên quan. Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm: 1- Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. 2- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên. 3- Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức thì không cần có phiếu lý lịch tư pháp. 4- Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.

Người được phân công giám định tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu giám định tư pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giám định các nội dung được giao, người được phân công giám định tư pháp phải từ chối bằng văn bản. Văn bản từ chối được gửi cho người giao nhiệm vụ và cơ quan trưng cầu giám định.

Hội đồng giám định được thành lập như sau: a- Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, hoàn thiện hồ sơ trình Bộ trưởng quyết định thành lập hội đồng; b- Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của hội đồng giám định thực hiện theo Điều 30 Luật giám định tư pháp.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.