Ảnh minh họa |
Theo đó, về đạo đức nghề nghiệp, chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa phải đảm bảo tiêu chuẩn sau: Tận tụy vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; hiểu biết và thực hiện đúng quy tắc ứng xử của viên chức ngành y tế; thực hành nghề nghiệp theo đúng quy chế, quy định, quy trình chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật; không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; coi trọng việc kết hợp y-dược hiện đại với y-dược cổ truyền; trung thực, đoàn kết, tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp.
Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành khúc xạ nhãn khoa trở lên.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Hiểu biết quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật về mắt, sử dụng quy trình chẩn đoán, điều trị tật khúc xạ; thực hiện kỹ thuật khúc xạ nhãn khoa, điều chỉnh tật khúc xạ và chỉnh kính hiệu quả; có kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng; có kỹ năng đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề nghiệp.
Theo dự thảo, viên chức khúc xạ nhãn khoa có nhiệm vụ: Theo dõi, phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý về tật khúc xạ và thị giác hai mắt; khám sàng lọc tật khúc xạ, cấp đơn kính và cung cấp các dịch vụ chăm sóc tật khúc xạ; khám phát hiện sớm các vấn đề bệnh lý tật khúc xạ tại mắt; khám sàng lọc bất thường về thị giác hai mắt bằng cách sử dụng các phương pháp chỉnh quang, bài tập thị giác; phục hồi chức năng khiếm thị bằng các thiết bị quang học, phi quang học và bài tập thị giác; thử và cấp đơn kính tiếp xúc độc lập, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sử dụng kính tiếp xúc; theo dõi, phát hiện và xử trí các vấn đề về chăm sóc mắt ban đầu; theo dõi các bệnh về mắt thông thường như viêm kết mạc, viêm bờ mi, khô mắt trung bình và nặng; chẩn đoán, điều trị bệnh lý khô mắt nhẹ; khám, chăm sóc ban đầu bệnh đục thủy tinh thể, theo dõi quá trình sau điều trị, chuyển tuyến bác sĩ nhãn khoa và cấp kính điều chỉnh sau phẫu thuật (nếu có); khám sàng lọc, theo dõi quá trình điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh võng mạc cao huyết áp, bệnh glôcôm; cấp cứu ban đầu và chuyển tuyến kịp thời các tai biến khi sử dụng thuốc ở mắt trong quá trình chăm sóc, điều trị các bệnh về mắt thông thường; sử dụng một số loại thuốc nhỏ mắt dùng trong chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý, tình trạng mắt.
Đồng thời, thực hiện tư vấn cho người bệnh hoặc gia đình người bệnh về tình trạng sức khỏe mắt và đưa ra các dịch vụ chăm sóc mắt phù hợp.
Về đào tạo và nghiên cứu khoa học: Viên chức khúc xạ nhãn khoa tham gia biên soạn tài liệu chuyên môn; xây dựng chương trình đào tạo; quy chế, quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc lĩnh vực được giao; tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; tham gia, thực hiện áp dụng sáng chế, cải tiến chất lượng trong chăm sóc bệnh mắt.
Bên cạnh đó, viên chức khúc xạ nhãn khoa thực hiện truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe mắt (Đánh giá nhu cầu, tư vấn giáo dục sức khỏe mắt đối với người bệnh; hướng dẫn chăm sóc và phòng bệnh về mắt; tham gia xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và thực hiện truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe mắt; đánh giá công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe mắt); chăm sóc sức khỏe mắt cộng đồng (Xây dựng và tổ chức chương trình khám sàng lọc mắt tại cộng đồng; tư vấn, hướng dẫn chăm sóc mắt cho bệnh nhân khiếm thị; xây dựng và triển khai chương trình phòng tránh cận thị học đường); phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị (phối hợp khám nghiệm cận lâm sàng trong nhãn khoa như đo nhãn áp, đo thị trường, siêu âm, chụp ảnh đáy mắt, chụp OCT; hội chẩn và phối hợp điều trị bệnh lý liên quan đến khúc xạ, thị giác hai mắt, bệnh mắt thông thường).
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.