In bài viết

Đề xuất tiêu chuẩn giám định viên tư pháp lĩnh vực tài nguyên và môi trường

(Chinhphu.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này.

04/05/2021 14:00

Ảnh minh họa

Cụ thể, tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Luật Giám định tư pháp năm 2012 và điểm a, điểm b khoản 4; điểm a, điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp.

Giám đốc sở tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với sgiám đốc sở tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn trình chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp tại địa phương.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp; trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Dự thảo nêu rõ, việc cấp thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

Tiêu chuẩn người giám định tư pháp theo vụ việc

Theo dự thảo, công chức, viên chức thuộc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ngành tài nguyên và môi trường có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc: 1- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; 2- Có trình độ đại học trở lên do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam; 3- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức phù hợp với lĩnh vực tài nguyên và môi trường mà người đó được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp theo vụ việc.

Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn