Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục phải dựa theo các căn cứ được quy định như: căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức xây dựng kế hoạch tuyển dụng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng.
Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Giáo dục được thực hiện theo quy định tại các Thông tư của Bộ GD&ĐT, trong đó có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo. Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: "Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm". Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 là định hướng phấn đấu và phù hợp với xu thế phát triển, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, là bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/TW và Nghị quyết số 88/QH.
Theo thống kê, đến cuối năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên phổ thông trong cả nước là 862.1082 (tăng 10.314 giáo viên so với năm học 2018-2019). Chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông ngày càng được nâng lên, từng bước đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Năm học 2022-2023, tỉ lệ đạt chuẩn được đào tạo của cấp tiểu học đạt 83,3%, trung học cơ sở đạt 90,3%, trung học phổ thông đạt 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng giáo viên chưa đáp ứng được định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử- Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Công nghệ, tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân.
Đa số các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023. Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở có trình độ đại học trở lên vẫn chưa đủ để bố trí giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mĩ thuật (thời gian đào tạo trình độ đại học là 04 năm) chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.
Dự báo đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS: môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật: thiếu 4.321 giáo viên (theo dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kì triển khai CTGDPT 2018).
Do đó, cần thiết phải tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên, bảo đảm có đủ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở một số môn học.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng quy định của Luật Giáo dục 2019 và triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mục tiêu cụ thể nhằm bảo đảm đủ số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở một số môn học mới, môn học mang tính đặc thù để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh