Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo quy định rõ về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được hưởng mức ưu đãi 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Nhà đầu tư cam kết chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao hoặc thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.
Đối với đấu thầu quốc tế, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án, bên mời thầu quyết định mức giá mà nhà đầu tư phải nộp tiền mua bản điện tử hồ sơ mời thầu khi nộp hồ sơ dự thầu.
Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm; lập, thẩm định hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ dự quan tâm, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà đầu tư như sau:
Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu được tính bằng 0,05% tổng vốn đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 200 triệu đồng.
Chi phí thẩm định đối với từng nội dung về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu và kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà đầu tư được tính bằng 0,02% tổng vốn đầu tư nhưng tối thiểu là 10 triệu đồng và tối đa là 100 triệu đồng.
Đối với các dự án có nội dung tương tự nhau thuộc cùng một cơ quan có thẩm quyền và cùng một bên mời thầu tổ chức thực hiện, các dự án phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư thì các chi phí: Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu được tính tối đa 50% mức đã chi cho các nội dung chi phí quy định nêu trên. Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư thì phải tính toán để bổ sung chi phí này vào chi phí chuẩn bị đầu tư.
Chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư về kết quả lựa chọn nhà đầu tư là 0.02% tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư có kiến nghị nhưng tối thiểu là 20 triệu đồng và tối đa là 200 triệu đồng.
Chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu, chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ nguồn chi phí này thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế theo phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ và dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, quy trình như sau: a) Công bố dự án đầu tư kinh doanh; b) Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; d) Đánh giá hồ sơ dự thầu; đ) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; e) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Đối với dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi theo phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, quy trình gồm các bước: a) Công bố dự án đầu tư kinh doanh; b) Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; c) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn một; d) Chuẩn bị, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư giai đoạn hai; đ) Đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn hai; e) Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; g) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
Sau khi có văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 và khoản 4 Điều 8 của Luật Đấu thầu; gửi văn bản thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư đến các nhà đầu tư tham dự thầu trong thời hạn quy định tại hồ sơ mời thầu.
Nội dung thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định này; Danh sách nhà đầu tư không được lựa chọn và tóm tắt về lý do không được lựa chọn của từng nhà đầu tư; Kế hoạch đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương