Ảnh minh họa |
Dự thảo đề xuất về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ như sau: Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP. Trường hợp người bị tố cáo là cán bộ Công an xã, thị trấn không thuộc biên chế lực lượng Công an nhân dân thì thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo.
Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp thụ lý, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới có nội dung tố cáo phức tạp, gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành Công an khi xét thấy cần thiết.
Về hình thức tố cáo: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền theo quy định tại Điều 22 và khoản 1, 2 Điều 23 Luật Tố cáo.
Trường hợp phản ánh hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ Công an qua phương tiện thông tin đại chúng, đường dây điện thoại nóng hoặc qua cổng thông tin điện tử thì xử lý theo quy định của Chính phủ và Bộ Công an về công tác phòng, chống tham nhũng.
Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo
Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP và các quy định khác của Bộ Công an.
Trường hợp người tố cáo rút tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 33 Luật Tố cáo và Điều 4 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP. Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân ra thông báo bằng văn bản việc không giải quyết tố cáo đối với nội dung đó và tiếp tục giải quyết các nội dung tố cáo còn lại theo quy định của Luật Tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân ra thông báo bằng văn bản chấp nhận việc rút tố cáo của người đó và tiếp tục giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo.
Việc xác minh, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Quyết định xử lý tố cáo chỉ ban hành khi người bị tố cáo có vi phạm, cần phải áp dụng hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo, người bị tố cáo và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (nếu có) phải được công khai theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP.
Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo, người thân của người tố cáo; xử lý nghiêm minh cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
KL