In bài viết

Đề xuất xây dựng Luật chuyển đổi giới tính

(Chinhphu.vn) – Dự án Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đề nghị xây dựng nhằm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này.

23/10/2017 10:47

Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0.1% đến 0.5%. Việc thu thập số liệu về tỷ lệ người chuyển giới gặp khó khăn do sự kỳ thị xã hội, khả năng tiếp cận tới những người chuyển giới ở vùng sâu, vùng xa cũng như hiểu biết, nhận dạng của chính người chuyển giới. Nếu sử dụng con số trung bình thấp là 0.1%, Việt Nam ước đoán có gần 100.000 người chuyển giới, sử dụng con số trung bình là 0.3 thì Việt Nam ước đoán có khoảng 300.000 người chuyển giới.  Ở các nước hợp pháp hóa việc chuyển giới, có thể dễ dàng thống kê hơn dựa trên số liệu các ca tư vấn, phẫu thuật hoặc thay đổi giấy tờ. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu chính xác về số lượng người chuyển giới, mặc dù các hoạt động, nghiên cứu đã tiếp xúc với rất nhiều người chuyển giới.

Với những quy định hiện hành, người chuyển giới không được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn, không trải qua những bài kiểm tra và tư vấn tâm lý về tình hình sức khỏe tâm thần, gây ra những tổn thương về tâm lý và không làm giảm được kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội.

Bên cạnh đó, họ thường phải sử dụng những loại thuốc trôi nổi, không theo phác đồ thăm khám, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe rất lớn. Người chuyển giới phải đi nước ngoài (tốn kém hơn, rủi ro hơn) để thực hiện chuyển đổi giới tính trong khi kỹ thuật trong nước có thể thực hiện với chi phí rẻ hơn từ 8-10 lần. Người đã đi nước ngoài để chuyển đổi giới tính thì không được công nhận nhân thân, giới tính mới khi trở về Việt Nam, trở thành “người vô hình” sống ngoài sự thừa nhận của pháp luật. Những biến chứng sau hậu phẫu xảy ra không được thăm khám đầy đủ, vì sợ sự kỳ thị khi sử dụng các dịch vụ y tế, giấy tờ nhân thân không khớp với tình trạng cơ thể thực tế gây khó khăn cho người chuyển giới…

Theo Bộ Y tế, Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Theo đó, Điều 37. Chuyển đổi giới tính quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật”. Như vậy, sẽ cần phải xây dựng Luật chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bộ Y tế đề xuất xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm mục đích tiếp cận dưới góc độ tôn trọng, bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính, bảo đảm cho họ được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn và các quy định về người chuyển đổi giới tính vẫn gắn với khía cạnh về đạo đức, truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Đồng thời Luật chuyển đổi giới tính sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ người chuyển đổi giới tính có được cuộc sống như những người bình thường khác như: được chăm sóc y tế, phẫu thuật chuyển đổi giới tính, thay đổi hộ tịch, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và xã hội; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử...

Mời bạn đọc xem toàn văn Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật chuyển đổi giới tính và góp ý tại đây.

Tuệ Văn