Theo Bộ Công an, ngày 18/02/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2002/NĐ-CP về Quy chế quản lý kho vật chứng. Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; xây dựng kho vật chứng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện hiệu quả công tác nhập, xuất, lưu giữ, bảo quản vật chứng của các vụ án, đồng thời đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn công tác quản lý kho vật chứng tạo cơ sở, hành lang pháp lý để tổ chức, triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn chưa quy định cụ thể về tổ chức kho vật chứng trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự và các ngành chức năng tiếp nhận vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật để bảo quản đặc biệt. Để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc này, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ.
Tuy nhiên, Nghị định số 18/2002/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành cách đây 21 năm nên nội dung không còn phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, ngoài ra còn gặp một số khó khăn, vướng mắc khi nhập, xuất, bảo quản, chuyển giao vật chứng:
- Các quy định của pháp luật hiện hành về tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng được quy định tại Điều 89, 90 trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 82 Luật Tố tụng hành chính; Điều 122 và 123 trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) chưa cụ thể hóa được nội dung của hoạt động này trong quá trình thực hiện;
- Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP quy định: vật chứng thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng (như lương thực, thực phẩm tươi sống, dược phẩm, dược liệu…), được chuyển giao cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật nhưng trong quá trình thực hiện lại có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình xử lý vật chứng;
- Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 70/2013/NĐ-CP quy định:
+ Vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ… thì phải được niêm phong và gửi tại hệ thống Kho bạc Nhà nước cùng cấp nơi cơ quan thụ lý vụ án có trụ sở, tuyệt đối không được lưu thông, nhưng trên thực tế hiện nay gặp khó khăn, vướng mắc khi áp dụng thực hiện (ngày 28/12/2018 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 135/2018/TT-BTC quy định việc quản lý đối với tiền mặt tạm giữ do Kho bạc Nhà nước nhận bảo quản, không nhận vật chứng là tiền mặt đã được niêm phong);
+ Vật chứng là động vật được gửi tại các Vườn thú, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã hoặc các cơ sở chăn nuôi thuộc ngành Nông nghiệp trên địa bàn. Trên thực tế nhiều tỉnh không có cơ sở cứu hộ động vật rừng, vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa hoặc cơ sở giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, ban quản lý rừng đặc dụng có cơ sở cứu hộ động vật được trang bị hệ thống chuồng nuôi, giữ động vật hoang dã còn sống để nuôi dưỡng nên không thể bàn giao cho cơ sở trong tỉnh để bảo quản, chăm sóc trong thời gian chờ xử lý, dẫn đến động vật suy giảm về sức khỏe, trọng lượng, khả năng tái thả về tự nhiên thấp;
- Vẫn còn trường hợp cơ quan thụ lý vụ án (cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao) chưa kịp thời chuyển giao vật chứng vào kho vật chứng theo quy định tại Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP của pháp luật để quản lý, bảo quản khi đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà vẫn quản lý vật chứng tại phòng làm việc, khu vực làm việc, do đó đã xảy ra trường hợp mất vật chứng (Công an thành phố Hải Phòng 01 đồng chí cán bộ Công an lợi dụng chiếm đoạt số lượng ma túy nêu trên và đã truy tố, xét xử);
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách thuộc ngành Công an, Quân đội, Tư pháp, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương trong công tác chuyển giao vật chứng tại một số cơ quan, địa phương do còn né tránh trách nhiệm, chưa có chế tài cụ thể quy định, quy trình nhập, xuất, lưu giữ, bảo quản vật chứng. Bên cạnh đó, một số Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh chưa bố trí được kho vật chứng trong khu vực kho vũ khí, trang bị kỹ thuật để bảo quản vật chứng nên đã không tiếp nhận vật chứng là vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về quản lý kho vật chứng thay thế Nghị định số 18/2002/NĐ-CP và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP là cần thiết nhằm bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bố cục dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 26 điều
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 26 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Quy định chung: Từ Điều 1 đến Điều 6;
Chương II. Hệ thống kho vật chứng: Từ Điều 7 đến Điều 9;
Chương III. Trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý kho vật chứng: Từ Điều 10 đến Điều 13;
Chương IV. Nhập, xuất và bảo quản vật chứng: Điều 14 và Điều 15
Chương V. Trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy nhân nhân dân trong quản lý kho vật chứng: Từ Điều 16 đến Điều 24;
Chương VI. Điều khoản thi hành: Điều 25 và Điều 26.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Hoa Hoa