In bài viết

Đề xuất xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể.

10/08/2022 15:02
Đề xuất xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể - Ảnh 1.

Có thể sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê

Bộ Tài chính cho biết, trong thực tế, để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý hành chính, Nhà nước đã có nhiều đề án để thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách hoặc giải thể một số cơ quan. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công không còn tồn tại, vì vậy, việc áp dụng quy trình xử lý tài sản công như hiện hành không phù hợp do quy trình hiện hành được xuất phát từ cơ quan có tài sản đề xuất, lập hồ sơ.

Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định cho việc xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể (bổ sung Điều 35b), cụ thể:

Cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác...), cơ quan nhà nước thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể có trách nhiệm lập phương án xử lý, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp, đề xuất phương án xử lý tài sản, gửi xin ý kiến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cùng cấp. Căn cứ ý kiến của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công, đơn vị hoàn thiện phương án xử lý tài sản để lập Đề án sáp nhập/hợp nhất/chia tách/giải thể (trong đó có phương án xử lý tài sản); trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Phương án xử lý tài sản phải phù hợp với hình thức xử lý tài sản quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định này.

Căn cứ Đề án sáp nhập/hợp nhất/chia tách/giải thể được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan nhà nước (pháp nhân cũ) có trách nhiệm báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công xem xét, quyết định việc xử lý tài sản, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện xử lý tài sản thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương II Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Trường hợp cơ quan nhà nước (pháp nhân cũ) đã chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thành việc xử lý tài sản thì Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định giao cho pháp nhân mới sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất thực hiện các công việc còn lại hoặc giao cho cơ quan quản lý cấp trên thực hiện các công việc còn lại của việc xử lý tài sản theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm theo dõi tài sản, không hạch toán vào tài sản được giao quản lý, sử dụng của cơ quan.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể mà khi cơ quan, người có thẩm quyền quyết định đã có hoặc chưa có đề án/phương án xử lý tài sản (Điều 2 dự thảo Nghị định).

Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê

Về việc cho thuê theo hình thức niêm yết giá: Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP thì việc cho thuê tài sản được thực hiện theo hình thức đấu giá và cho thuê trực tiếp; trong đó, cho thuê trực tiếp áp dụng trong các trường hợp sau: Tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng điều trị...) trong thời gian dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục.

Thực tế khi áp dụng quy định nêu trên, có trường hợp lợi dụng quy định cho thuê trong thời gian từ 15 ngày trở lên nhưng không liên tục để tránh việc đấu giá cho thuê tài sản. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ không quy định về trường hợp cho thuê tài sản không liên tục, đồng thời tăng thời hạn cho thuê từ 15 ngày lên 30 ngày để phù hợp với chu kỳ thuê theo tháng. Theo đó, các trường hợp cho thuê theo hình thức niêm yết giá gồm: (i) Cho thuê tài sản là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị; (ii) Cho thuê từng hạng mục thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm, phòng điều trị...) trong thời gian dưới 30 ngày.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh