In bài viết

Đền Hùng là không gian linh thiêng hấp dẫn du khách

(Chinhphu.vn) – Còn hơn 3 ngày nữa là đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về công tác tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm 2011.

08/04/2011 17:45

 Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ - Ảnh Chinhphu.vn

PV: Thưa ông ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đang đến gần, xin ông cho biết Bộ VHTTDL đã có những biện pháp gì để đảm bảo tổ chức tốt lễ hội này?

Ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng, Cục Văn hóa cơ sở: Lễ hội Đền Hùng là lễ hội lớn đã được quy định ổn định cả về nghi lễ và lễ phục, nghi lễ dâng hương trang trọng cũng đã tạo được dấu ấn là lễ hội tiêu biểu trong hệ thống lễ hội dân gian.

Để ngày Giỗ Tổ Hùng Vương phát huy được ý nghĩa tinh thần cao quý, từ tháng đầu năm 2011, Bộ đã lưu ý tỉnh Phú Thọ triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội trang nghiêm, thành kính, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ, bảo tồn tín ngưỡng thờ Hùng Vương, tạo điều kiện để khu di tích Đền Hùng trở thành không gian linh thiêng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội Đền Hùng sẽ thu hút rất đông du khách, để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong thời gian diễn ra lễ hội,  Bộ đã yêu cầu tỉnh Phú Thọ chú trọng công tác an ninh, an toàn, tăng cường tính chủ động và có phương án phù hợp với lượng khách về dự lễ hội dự kiến sẽ rất đông. Dự tính sẽ có khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách hành hương về Đất Tổ trong dịp này.

Tỉnh Phú Thọ cũng quán triệt phương châm thực hành tiết kiệm về nguồn lực và kinh phí, tránh biểu hiện phô trương lãng phí, chú trọng công tác an ninh an toàn, thực hiện nếp sống văn minh và xây dựng môi trường văn hóa trong tổ chức lễ hội.

PV: Như vậy ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch tới đây (12/4/2011) sẽ được diễn ra với những nghi lễ trang trọng, linh thiêng, thưa ông?

Ông Vương Duy Bảo: Đúng vậy, thực tế tín ngưỡng thờ Hùng Vương rất độc đáo, thiêng liêng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc hướng về Quốc Tổ. Nghi lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ đã ổn định với văn tế, nhạc lễ, trang phục lễ, lễ vật sau nhiều năm nghiên cứu và hoàn chỉnh, hiện cũng đã được công chúng chấp thuận và trở thành nghi lễ trang trọng, linh thiêng và thành kính.....

Trong Lễ hội Đền Hùng năm 2011, riêng phần Hội do địa phương tổ chức nhưng nội dung sinh hoạt phần hội gắn với chủ đề hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương để hình thành chuỗi hoạt động văn hóa đậm nét vùng miền, nhưng gắn bó chặt chẽ với văn hóa cội nguồn dân tộc, khuyến khích các hoạt động hội gắn với sự tích Hùng Vương để làm giàu Kho tàng văn hóa Hùng Vương từ cộng đồng các dân tộc trong cả nước.

Lễ hội Đền Hùng năm 2011 được khai mạc tại Đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ sáng 8/4.

PV: Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, một số địa phương có điểm thờ Vua Hùng cũng tổ chức lễ tưởng niệm các Vua Hùng. Xin ông cho biết công tác tổ chức lễ tưởng niệm các Vua Hùng ở các địa phương đó ra sao?

Ông Vương Duy Bảo: Về việc này, Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố có di tích thờ Vua Hùng tổ chức nghi lễ dâng hương và phần hội gắn với chủ đề "Hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương" để hình thành chuỗi hoạt động văn hóa đậm nét vùng miền, nhưng gắn bó chặt chẽ với văn hóa cội nguồn.

Năm 2011, giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ làm chủ lễ, có sự tham gia của 5 tỉnh là Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi và Đồng Tháp.

Nghi lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương cần được thống nhất thực hiện trong toàn quốc - Ảnh minh họa

PV: Xin ông cho biết, dự kiến trong thời gian tới sẽ kế hoạch gì để Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng tiếp tục phát được giá trị văn hóa?

Ông Vương Duy Bảo: Trong thời gian tới, Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng sẽ tiếp tục được đầu tư, tu bổ, nâng cấp để xứng tầm Khu tưởng niệm Quốc gia, các công trình văn hóa cần phải có điểm nhấn độc đáo riêng biệt phản ánh sắc thái của Văn hóa thời đại Hùng Vương, tạo điều kiện để Khu Di tích trở thành không gian thiêng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Chúng tôi cũng lưu ý, trong quá trình cải tạo tu  bổ khu di tích lịch sử Đền Hùng phải đặc biệt chú trọng việc giữ gìn bảo vệ các công trình văn hóa liên quan đến thời đại Hùng Vương hiện có.

Cùng với đó là nhiệm vụ chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, chống những biểu hiện xâm nhập của hoạt động mê tín dị đoan và những yếu tố phi văn hóa xâm nhập vào môi trường thờ tự để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là hoạt động văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Bài liên quan:

>> Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - nét đẹp của truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

Quốc Hà thực hiện