Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân bảo đảm về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đáp ứng cơ hội công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời đối với người khuyết tật ở tất cả địa phương.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 50% số đơn vị cấp tỉnh có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Củng cố, phát triển 31 cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật đã có, trong đó phát triển 08 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và An Giang để bảo đảm nhu cầu giáo dục đa dạng đối với người khuyết tật;
Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 86 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đi vào hoạt động, trong đó có 04 trung tâm (Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kiên Giang) được đầu tư chức năng chuyên sâu về tổ chức dạy học và giáo dục đối với trẻ/học sinh khuyết tật. Vận hành hiệu quả 01 đơn vị có chức năng nghiên cứu, đào tạo và thực hành về giáo dục đặc biệt (Viện Giáo dục Đặc biệt Quốc gia)
Tầm nhìn đến năm 2025 là hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động có hiệu quả, hội nhập khu vực Asean, bảo đảm người khuyết tật được phổ cập giáo dục và mở ra các cơ hội học tập suốt đời.
Về phương án phát triển cơ cấu mạng lưới, dự thảo đề xuất: Đến năm 2025, củng cố 29 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật hiện có. Trong đó, tập trung phát triển 08 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật; 33 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, trong đó củng cố 14 trung tâm hiện có, chuyển đổi 17 trung tâm từ các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và thành lập mới 02 trung tâm tại Sơn La và Vĩnh Phúc. Khuyến khích thành lập thêm các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với người khuyết tật.
Đến năm 2030: Vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật với 8 cơ sở. Hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với 86 cơ sở, trong đó tập trung nâng cao chất lượng 33 trung tâm và chuyển đổi 23 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và thành lập mới 30 trung tâm, trong đó 04 trung tâm tại Hà Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Kiên Giang được đầu tư chuyên sâu vào chức năng tổ chức dạy học và giáo dục đối với trẻ/học sinh khuyết tật. Khuyến khích thành lập thêm các cơ sở giáo dục ngoài công lập đối với người khuyết tật.
Theo dự thảo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, được chuẩn hóa về trình độ theo yêu cầu ngày càng cao của giáo dục đối với người khuyết tật. Theo đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định về vị trí việc làm, đáp ứng đa dạng các nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật theo dạng tật và mức độ khuyết tật.
Năm 2025: Khoảng 1162 giáo viên và 620 nhân viên hỗ trợ làm việc trong 31 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật.
Năm 2030: Khoảng 2150 giáo viên và 1147 nhân viên hỗ trợ làm việc trong 86 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Năm 2050: Khoảng 4050 giáo viên và 2160 nhân viên hỗ trợ làm việc trong 162 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập...
Tổng vốn đầu tư dự kiến để thực hiện Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cụ thể như sau: Giai đoạn 2021 – 2030 khoảng: 41.720 tỷ đồng; Giai đoạn 2031 – 2050 là khoảng: 23.160 tỷ đồng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương