In bài viết

Đến Sóc Trăng, xem đua ghe Ngo, trẩy hội Ok Om Bok

(Chinhphu.vn) - Mặc cái oi ả của một chiều Sóc Trăng lúc nắng lúc mưa, hàng trăm nghìn người, già có, trẻ có, đứng dọc hai bên dòng Maspero cùng hò “Hây dơ dơ hây dơ môn” cổ vũ các đội ghe trong Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất.

17/11/2013 17:02

Hằng năm, cứ vào các ngày 14, 15 tháng Kă-đấth, tương ứng vào khoảng Rằm tháng 10 Âm lịch, lễ hội truyền thống đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung lại diễn ra.

Nhưng năm nay, người dân Sóc Trăng và người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long càng thêm hồ hởi, phấn khởi bởi lễ hội truyền thống của họ đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép “nâng cấp” tầm quốc gia với việc Sóc Trăng đứng ra tổ chức “Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long-Sóc Trăng lần thứ nhất năm 2013”. Sự kiện văn hóa mang tính cộng đồng rộng lớn ở tầm khu vực-quốc gia này sẽ là ngày hội vui đoàn kết, sáng tạo các giá trị  văn hóa-thể thao dân tộc của cộng đồng cư dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Mai Khương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival, cho biết: “Việc tổ chức Festival lần này nhằm bảo tồn và phát huy lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer mang tính chuyên nghiệp và có quy mô như một sự kiện văn hóa du lịch tại Sóc Trăng, là một nhu cầu cấp thiết, rất có ý nghĩa về văn hóa xã hội”.

Theo Ban Tổ chức, có 62 đội ghe nam, nữ cả trong và ngoài Sóc Trăng tham dự cuộc đua trong hai ngày 16 và 17/11. Giải vô địch đồng hạng cự ly 1.000m sẽ có 2 hạng mục cho nam và nữ, thi đấu trực tiếp. Có 4 hạng được trao giải thưởng và mức thưởng là 200 triệu đồng dành cho ghe về hạng Nhất.

Ngày hội thắm tình đoàn kết

Đúng 12h ngày 16/11, sau tiếng loa phát hiệu lệnh của đại diện Ban Tổ chức, các đội ghe nữ bắt đầu vào cuộc đua vòng loại. Dòng Maspero dịu dàng thơ mộng náo nhiệt hẳn lên trong tiếng hò dơ, tiếng trống, tiếng reo cổ vũ.

Theo Ban Tổ chức, khoảng hơn 500.000 du khách và đồng bào  xa gần đến tham dự Festival năm nay, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Chú Chín xã Phú Tâm (Châu Thành, Sóc Trăng) phấn khởi tâm sự: “Tôi làm nghề xe ôm nhưng nay cũng tạm nghỉ hai ngày để đi xem đua ghe. Mình làm cả năm rồi, mấy khi có dịp lễ này để cùng hòa với niềm vui chung đâu. Năm nay lễ hội đua ghe được nâng cấp thành Festival cấp quốc gia, không chỉ tôi mà bà con Khmer đều mừng lắm. Tôi nghĩ các hoạt động lễ hội năm nay chắc sẽ hoành tráng và long trọng hơn mọi năm nhiều”.

Trong khi đó, nhóm 12 cụ thuộc Hội người cao tuổi Cần Thơ, với cụ già nhất 94 tuổi, đã đạp xe đạp đến Sóc Trăng để tham dự “Ngày hội hòa hợp dân tộc” như lời ông Lê Hoàng Tuấn, 79 tuổi, tâm sự. Theo ông Tuấn, ông đã đi xem nhiều cuộc đua ghe Ngo ở khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí ở cả Campuchia, Lào, nhưng lần này ông thấy vui nhất bởi có nhiều đội ghe mạnh từ nhiều tỉnh về tham dự. Cuộc thi này chính là thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc không phân biệt người Kinh, Khmer hay người Hoa.

Hòa chung niềm vui của đồng bào Khmer khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, rất nhiều bạn trẻ từ TPHCM, Vũng Tàu… du khách nước ngoài từ Anh, Mỹ, Nhật Bản cũng đội nắng đứng bên dòng Maspero reo hò cổ vũ các đội đua ghe.

Nhóm các bạn Thi Đình, Như Quỳnh, học sinh Trường Trung học Nam Mỹ, Quận 8 (TPHCM), đã vượt hơn 300km đến với lễ hội bởi “chúng em thấy trên tivi quảng cáo về Festival đua ghe Ngo và lễ hội Ok Om Bok thấy vui quá nên xin phép ba mẹ cho đi, nhân tiện ghé chơi nhà một bạn ở Sóc Trăng”. Như Quỳnh cười nói rằng: “Đúng là được tận mắt xem đua ghe đã hơn nhiều. Tiếc là bọn em không thể xem đến những trận đua cuối cùng. 15h ngày mai bọn em phải ra xe về Thành phố để thứ Hai bắt đầu tuần học tập mới”.

Chị Saeko, du khách Nhật Bản, cho biết, chị  rất đam mê khám phá, tìm hiểu các lễ hội văn hóa dân tộc cổ truyền của Việt Nam. Được biết có lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, chị cùng mấy người bạn Việt Nam đã bắt xe từ TPHCM xuống đây để kịp xem Lễ khai mạc và các cuộc đua ghe. Chị rất thích sự chân thành, mộc mạc của người dân Sóc Trăng. Chị hy vọng sẽ có dịp trở lại đây trong những dịp lễ hội truyền thống khác của người Khmer.

Chia sẻ mục đích lần tổ chức Festival đua ghe Ngo này, Trưởng ban tổ chức Mai Khương kỳ vọng, đây sẽ là một cuộc tập dượt, tích lũy kinh nghiệm để Sóc Trăng có thể tổ chức thành công những lễ hội, sự kiện văn hóa mang tầm khu vực và cao hơn khi mở rộng quy mô tổ chức Festival đua ghe Ngo quốc tế; góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa để từ đó xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội này là di sản văn hóa thế giới của Việt Nam./.

Hạnh Nhân