Cùng nhóm hạng với TDTU là các đại học danh tiếng thế giới từ nhiều năm trước như: The university of Waikato (New Zealand, đại học xếp thứ 6 ở New Zealand), Università Della Svizzera Italiana (Thụy Sĩ, xếp thứ 9 ở Thụy Sĩ), Czech Technical University in Prague (Cộng hòa Séc, top 4 các đại học của Czech), Université Gustave Eiffel (Pháp, top 26 ở Pháp), Chulalongkorn University (Thái Lan, top 2 của hệ thống đại học Thái Lan), Chungnam National University (Hàn Quốc, top 24 các đại học Hàn Quốc), Aston University, Heriot-Watt University, City University London (top 46-54 của Anh Quốc), Bielefeld University (top 40-45 của CHLB Đức), Hong Kong Baptist University (top 6 của Hong Kong Trung Quốc), University of Jyvaskyla (top 7 của hệ thống đại học Phần Lan)…
Đứng đầu bảng xếp hạng này năm nay vẫn là những đại học danh giá và lâu đời trên thế giới. Số một là Đại học Harvard (Mỹ), số hai là Đại học Stanford (Mỹ), số ba là Đại học Cambridge (Anh).
Đáng nói là năm nay có sự tụt hạng của Đại học Chulalongkorn và Đại học Chiang Mai của Thái Lan trong bảng này. Ngược lại, Đại học Mahidol, một đại học chú trọng chất lượng giáo dục và nghiên cứu ứng dụng đã vượt lên thành đại học số 1 Thái Lan.
ARWU được giáo dục đại học thế giới nhìn nhận là hệ thống xếp hạng đại học uy tín, khách quan và khó nhất thế giới. Tính khách quan của bảng xếp hạng ARWU so với các tổ chức xếp hạng của QS (QS World University Rankings), THE (Times Higher Education) là chỉ căn cứ vào thực lực, sản phẩm đầu ra của các cơ sở giáo dục đại học, thành công của nhà trường và người học… mà không sử dụng dữ liệu từ bình chọn (vote) của giới học thuật hay doanh nghiệp.
AWRU tự xây dựng dữ liệu đánh giá các đại học trên toàn thế giới căn cứ vào các cơ sở dữ liệu khoa học hàng đầu thế giới, chứ không phụ thuộc và cũng không yêu cầu các đại học phải cung cấp dữ liệu. Các tiêu chí đánh giá chính bao gồm: chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).
Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu của bên thứ ba nhằm cung cấp cho người học tiềm năng, phụ huynh, doanh nghiệp, các nhà khoa học và xã hội thông tin khách quan để chọn đại học mà đầu tư cho tương lai hay để làm việc. Nó cũng là cơ sở khách quan giúp các đại học khác tự đối sánh để có giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển của đại học mình.
TDTU là đại học đi đầu về tự chủ đại học tại Việt Nam, tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên và đầu tư xây dựng cơ bản. Nhờ cơ chế thí điểm tự chủ và cơ chế đại học công, nhưng được quản trị như mô hình đại học ngoài công lập, chỉ sau hơn 22 năm hình thành và phát triển, TDTU đã đứng số 1 hệ thống đại học Việt Nam về công bố quốc tế, top 400 đại học của thế giới theo nhóm ngành học thuật năm 2020 của ARWU… Đây là minh chứng hùng hồn nhất cho tính ưu việt và đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học tại Việt Nam để Đảng và nhà nước quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo tháo gỡ những rào cản đối với tự chủ đại học. Với chính sách và sự tạo điều kiện như trong thời gian qua của Đảng và Nhà nước, không chỉ TDTU mà sẽ có nhiều ĐH của Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.