Di dời bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội: Nhiều cơ sở không muốn di dời?
Cùng với việc lập Đề án Quy hoạch chung Thủ đô, các giải pháp di dời một số bệnh viện, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô đã được tiến hành, thế nhưng kế hoạch di dời gần như vẫn giẫm chân tại chỗ.
Có nhiều lý do khiến các bệnh viện chưa thể “dứt ra” khỏi khu vực nội đô dù vấn đề cơ sở khám chữa bệnh luôn thiếu diện tích, người bệnh luôn phải nằm ghép. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên việc di dời đã có kế hoạch từ nhiều năm trước, nhưng muốn chuyển khỏi khu vực hiện tại tất phải có “điểm đến”. Vậy mà “điểm đến” mãi mới được chỉ định. Cả chục năm mới có một khu đất ở Tân Triều, Thanh Trì cho bệnh viện K. Có đất rồi lại phụ thuộc vào tiến độ xây dựng công trình cũng như rất nhiều yếu tố khác, “ngay cả việc cho đến nay, dù hầu hết các hạng mục công trình đã sắp hoàn thiện và chắc chắn đầu năm tới bệnh viện K sẽ đi vào hoạt động, nhưng điện nước ở khu vực này vẫn chưa có”.
Theo bà Xuyên, trước mắt chưa thể di dời các bệnh viện ra khỏi nội đô. Chính vì vậy, đề nghị chính quyền thành phố cũng như Bộ Xây dựng đồng ý cho các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh được cải thiện cơ sở hiện tại nhằm phục vụ tốt hơn người bệnh. Còn chuyện di dời các cơ sở khám chữa bệnh ra khỏi nội đô sẽ làm. Nơi đến gọi tạm là cơ sở hai, còn những địa điểm hiện tại, Bộ Y tế đề xuất với TP Hà Nội xin được giữ lại làm Viện nghiên cứu, hoặc một số bệnh viện độc lập (chẳng hạn khi Viện Các bệnh nhiệt đới chuyển sang Đông Anh, phần đất đó sẽ chuyển sang cho Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Lao phổi Trung ương, các bệnh nhân bị bệnh lao sẽ chuyển lên bệnh viện 74 Phúc Yên, bệnh viện này sẽ chuyên phục vụ những bệnh nhân bị bệnh phổi).
Không đồng tình với nguyện vọng của đại diện Bộ Y tế, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng, chính quyền giải quyết cho bệnh viện cải tạo bằng cách nâng tầng, sẽ đối nghịch với quy định chung của thành phố (chẳng hạn việc TP Hà Nội đồng ý nâng tầng Bệnh viện Nhi Trung ương, đã trái quy hoạch kiến trúc chung). Hơn nữa, nếu cứ cải tạo nâng cấp theo kiểu vụn vặt như vậy sẽ chỉ có những khu khám chữa bệnh chắp vá chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt. Riêng việc quyết định những cơ sở phải di dời đến đâu và địa điểm hiện tại sẽ sử dụng làm gì, cần phải bàn bạc kĩ, tránh tình trạng “ngành ngành giữ chỗ xí phần” trong khi những vấn đề chung lại không giải quyết được.
Tiến độ di dời các trường đại học ra khỏi khu vực nội đô của Bộ Giáo dục & Đào tạo còn “phức tạp” hơn ngành y tế. Theo xác nhận của đại diện Bộ này, dù chủ trương di dời một số trường đại học ra khỏi khu vực nội đô đã được phê duyệt từ tháng 3-2008 nhưng Bộ “vẫn chưa biết gì”. Theo ông Cần, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất thiết bị trường học, trên địa bàn Hà Nội có 96 trường đại học, nhưng Bộ chỉ quản lý một phần, phần còn lại do các Bộ chuyên ngành quản lý. Riêng kế hoạch di dời các trường học ra sao ông cũng không nắm chắc.
Anh Anh