Cơn lốc đô thị hóa đang đe dọa hàng loạt các di sản kiến trúc ở Việt Nam. Sự bành trướng của các công trình kiến trúc mới, cùng việc khai thác quá độ của con người đang khiến những di sản kiến trúc cuối cùng có nguy cơ tan vỡ.
Nhường bước…
Dựa trên những công trình kiến trúc hiện còn, có thể nói, ở khu vực Đông Nam Á, hiếm có một đô thị nào lại có nhiều dạng kiến trúc khác nhau; nhiều dòng, nhiều trường phái, nhiều phong cách nghệ thuật kiến trúc của phương Tây như ở TP.HCM. Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay, TP.HCM còn khoảng trên 60 công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Được xây dựng trong suốt một thời gian tương đối dài (1859-1954) các công trình kiến trúc này có số lượng lớn, không chỉ đa dạng về chức năng mà về kết cấu đặc trưng kiến trúc thuộc nhiều trường phái và phong cách khác nhau bắt nguồn từ phương Tây và chủ yếu do người phương Tây đưa tới. Tại các công trình kiến trúc này, bên cạnh những yếu tố hài hòa, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với các con phố theo quy hoạch, phù hợp với công năng của công trình kiến trúc thì một đặc điểm đáng chú ý là có rất nhiều các chi tiết trang trí kiến trúc mang nhiều chi tiết của nghệ thuật bản địa như mỹ thuật Việt, Champa, Khmer… như công trình kiến trúc Bưu điện thành phố, Sở Thương mại, Ngân hàng Nhà nước, trường Lê Hồng Phong… Nhưng giờ đây, cơn lốc đô thị hóa quét đến, những di sản vô giá ấy đang trở nên lạc lõng giữa những kiến trúc cao tầng ốp kính bóng loáng vây xung quanh làm phá vỡ kiến trúc cảnh quan đô thị. Các khu phố cổ người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đang bị xuống cấp trầm trọng, một vài ngôi nhà cổ có từ thế kỷ XIX của người Việt còn sót lại nhưng chắc chỉ chống chọi được vài năm nữa…
Bảo tồn thích nghi
Trước những nguy cơ hủy hoại di sản đáng báo động đó, những nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa khách quan vẫn không bi quan cho rằng luôn có mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế. Trái lại, kinh nghiệm cho thấy có thể dung hòa bảo tồn và phát triển, nếu biết hỗ trợ, bổ sung, đào sâu nhận thức, tìm ra giải pháp thỏa đáng, thì có thể biến di sản thành tài nguyên quý phục vụ phát triển.
Ở Việt Nam từ năm 2001 đã có Luật Di sản văn hóa để làm cơ sở pháp lý, ngoài ra chúng ta cũng đang tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Các thông lệ quốc tế thường dựa vào văn kiện tiêu biểu là Hiến chương Venice 1964 với sự xác nhận của Công ước về di sản văn hóa thế giới của UNESCO 1972, sau này được bổ sung Văn kiện Nara 1994. Tuy nhiên, gần đây nhiều hội nghị quốc tế đã chỉ ra rằng, Hiến chương Venice nay đã phần nào lỗi thời trong quan niệm giữ gìn nguyên gốc và hướng sang đề cao Văn kiện Nara.
Hiện nay, thông lệ quốc tế khuyến khích giữ gìn nguyên trạng di sản nhưng cũng uyển chuyển áp dụng các quy định mới, nhằm biến di sản văn hóa sinh động hơn và không "đóng băng" chúng trong thời kinh tế thị trường. Sự kiện này mở đường cho tính hấp dẫn của ngành du lịch văn hóa.
Xác định phương thức bảo tồn cho không gian di sản kiến trúc. Xác định cấp độ đối với di sản kiến trúc là các đối tượng bảo tồn hay là các di tích xếp hạng. Linh hoạt không gian bảo tồn mảng, tuyến, cụm, điểm và bảo tồn thích nghi cho di sản. Giải pháp hồi sinh và thích ứng giá trị di sản kiến trúc trong không gian đô thị: Việc hồi sinh di sản kiến trúc theo hai cách tiếp cận là hồi sinh bề mặt và hồi sinh bản chất. Trong đó, chiếu sáng thẩm mỹ là một giải pháp kỹ thuật góp phần hồi sinh các giá trị nghệ thuật di sản kiến trúc tại các khu vực trung tâm lịch sử. Khoanh vùng bảo vệ di sản kiến trúc và kiểm soát chiều cao khu vực ảnh hưởng và bảo tồn. Quản lý các kiến trúc cao tầng tại khu vực ảnh hưởng và bảo tồn. Tổ chức không gian giao tiếp công cộng trong các khu vực lịch sử đô thị. Tổ chức phố đi bộ tại các khu vực trung tâm lịch sử. Thích ứng hình thức kiến trúc khu vực bảo tồn di sản kiến trúc.
Cẩm Tú