In bài viết

Di sản văn hóa: Niềm tự hào của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế

(Chinhphu.vn) - Gần 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã có hơn 12 di sản vật thể và phi vật thể được vinh danh là di sản văn hoá tiêu biểu của thế giới. Việt Nam cũng có các di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu và nhiều khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những di sản quí giá đó là niềm tự hào của Việt Nam trong quá trình hội nhập cùng thế giới.

22/11/2011 14:14

Ảnh minh họa

Danh hiệu mới, sức sống mới

Tất cả các di sản của Việt Nam sau khi được "nâng tầm"  từ quốc gia lên quốc tế đều phát huy tốt hơn trước đó. Theo cách nhìn nhận sâu sắc của một nhà nghiên cứu văn hóa thế giới sâu sắc- bà Katherine Muller- Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam  thì “các di sản ở Việt Nam là sự hội tụ, tổng hòa của nhiều yếu tố, là sự liên kết giữa vật chất và tâm linh. Tất cả đều đẹp và có sự khác biệt, không trùng lắp”.

Sau khi được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, các di sản văn hóa thế giới thì các di sản đều có được sức sống mới, sôi động hơn.

Khi có thương hiệu mới, di sản trở nên có sức hút mạnh mẽ hơn, trở thành điểm đến du lịch trọng điểm, tạo nguồn thu lớn để các địa phương có thể tái tạo lại công cuộc bảo tồn di sản. Tất cả các di tích sau khi được đưa vào danh mục di sản thế giới thì đều đã được xây dựng qui hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi có qui hoạch tổng thể như thế, sẽ có tầm nhìn xa hơn, với những định hướng lớn hơn cho công cuộc bảo tồn di sản. Qui hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ trở thành cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học để chúng ta tiếp tục đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Sở VHTTDL Gia Lai)- người có nhiều năm chuyên nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên nhấn mạnh, từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận và di sản phi vật thể của nhân loại, thì công việc bảo tồn cồng chiêng và các di sản văn hóa của Tây Nguyên có chiều hướng tiến triển tốt hơn.

Trước năm 2004, con số điều tra cho thấy có 5.126 bộ cồng chiêng. Năm 2008 tăng lên hơn 400 bộ. Năm 2009 là 5.655 bộ. Đó thực sự là tín hiệu vui. Trước kia, lớp thanh niên họ đã ít quan tâm tới cồng chiêng, nhưng bây giờ vào làng thì chúng ta thấy có rất nhiều em nhỏ đánh cồng chiêng.

Kể từ khi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần đầu tiên năm 1994 đến nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long đã và đang đạt được những kết quả đáng mừng. Từ chỗ chỉ mỗi năm thu hút khoảng vài trăm ngàn khách - thời điểm trước khi được công nhận di sản thế giới, đến nay, số lượt khách tới thăm Vịnh Hạ Long đã vượt con số 5 triệu. Gần 80 dự án đầu tư, nghiên cứu khoa học trên Vịnh Hạ Long với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng đã và đang triển khai có hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, sau gần 20 năm, những bước tiến trong việc bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long thể hiện ở chỗ: Trước hết là nâng cao nhận thức các cấp các ngành địa phương về việc bảo tồn di sản. Thứ hai là đã hình thành hệ thống thể chế chính sách trong việc bảo vệ và khai thác Vịnh. Thứ ba là đã tạo ra một cơ quan quản lý có đủ khả năng, thẩm quyền, liên kết với các cơ quan liên quan để quản lý trực tiếp và phát huy giá trị di sản. Thứ tư, đã tôn tạo, tu bổ và phát huy tích cực trong việc phát triển kinh tế và từng bước mở rộng trên các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu để nhận biết rõ hơn về giá trị di sản.

Có thể khẳng định, chúng ta đã làm được nhiều việc cho việc bảo vệ các di sản thế giới và cùng đó các di sản thế giới bằng việc phát huy giá trị của mình đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển KT-XH của địa phương.

Người dân Quảng Nam giàu lên nhờ biết bảo tồn các di sản là một thực tế. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, hơn 13 năm qua, người dân Hội An tham gia vào quá trình gìn giữ và phát huy di tích. Họ đã tham gia, làm chủ, xem di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ. Con số hơn 500 nghìn lượt khách tham dự "Đêm phố cổ Hội An" trong 10 năm cho thấy sự hấp dẫn các hoạt động văn hóa do chính người Hội An thực hiện.

Kiến trúc sư Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, trong các ngành kinh tế của Huế, du lịch có cơ hội phát triển nhiều nhất. Đi kèm với di sản là khách sạn, dịch vụ, hàng không rồi các dịch vụ khác như: tôm chua, mẻ sửng, nón Huế... Bản chất di sản là nền tảng cho sự phát triển, chưa kể nguồn thu của các di tích qua việc bán vé thì cũng đạt 80 tỷ một năm.

Khẳng định thương hiệu di sản

Để phát huy giá trị của các di sản, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam cho rằng: đầu tiên cần xác định thương hiệu cho di tích. Thứ hai là phải xây dựng được qui hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển các giá trị của di tích. Thứ ba là xây dựng được mô hình quản lý phù hợp. Thứ tư là chúng ta đã xã hội hoá được các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.

Là người gắn bó lâu năm với di sản văn hoá Huế, Kiến trúc sư Phùng Phu - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế ví von rằng, phải coi bảo vệ di sản và phát triển du lịch bền vững là cái bánh to, chứ không phải là nhiều cái bánh. Khi Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, thì lượng khách đến Phong Nha- Kẻ Bàng, Mỹ Sơn và Hội An tăng lên, nguồn thu tăng lên. Đó là sự kết nối, chứ không phải là sự dàn trải.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản, công tác quản lý phải hết sức chặt chẽ, phải hết sức nghiêm khắc trong quá trình đầu tư cũng như quá trình phục hồi, phục dựng di tích theo nguyên gốc của nó. Phải tạo được một không gian hài hoà giữa di tích với cảnh quan bên ngoài.    

Đối với việc bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể như Nhã nhạc Cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, cần khắc phục được cách nhìn xơ cứng, một chiều khi đánh giá giá trị của các di sản văn hoá phi vật thể. Một mặt, cần phải bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản và phát huy chúng, hội nhập chúng trong đời sống hôm nay; mặt khác, trên cơ sở những đặc trưng nguyên bản của di sản, chọn lọc, thừa kế và sáng tạo của thời đương đại.

Riêng với hội Gióng là sản phẩm văn hóa đặc biệt, đáp ứng được những nhu cầu hoạt động tinh thần của con người. Phần lõi của nó vẫn là tín ngưỡng, vui chơi, giải trí, giao duyên lành mạnh, cộng với hoạt động dịch vụ để phục vụ yêu cầu của người đến chơi, tham gia lễ hội mang lại lợi ích cộng đồng. Chúng ta phải làm sao để hai lợi ích đó hài hòa với nhau, đem lại vật chất và tinh thần cho cộng đồng, cho chủ thể sáng tạo văn hóa.

Nói về sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch ở các di tích, TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng: Các di sản được khai thác khi các di sản ấy cho phép được tham quan, được giới thiệu khi nó không ảnh hưởng đến di sản.

Có những di sản là vật thể, nhưng nhạy cảm thì không thể có việc khối lượng khách tham quan đông được. Ví dụ như Hoàng thành thì khi được công nhận là di sản thế giới thì UNESCO cũng khuyến nghị cần phải cẩn thận với du lịch đại trà vì sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn di sản.

Hoặc Hội Gióng cũng vậy, khi Hội Gióng được công nhận thì  chúng ta ngay lập tức nghĩ tới việc khai thác du lịch. Nhưng Hội Gióng là nghi lễ của một cộng đồng nhỏ và nghi lễ ấy chỉ thực sự có giá trị khi bản thân cộng đồng ấy thực hành theo đúng nghĩa của họ. Còn nếu như họ đã ý thức rằng họ đang thực hành để phục vụ du lịch thì câu chuyện ấy lại khác. 

Chính vì thế, di sản và du lịch là cả một câu chuyện hết sức là khó khăn để tìm ra bài tóan hợp lý, mà nhiều khi những người quản lý di sản cũng cần biết "nói không" với du lịch để bảo vệ di sản.

Mỗi di sản của của Việt Nam đòi hỏi một cách làm uyển chuyển và sáng tạo, bởi theo bà Katherin Muller-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, phải để các di sản "sống" trong thời kỳ hiện đại mà không bị “bóp méo”. Các di sản cần được quản lý và tổ chức tốt, như giới hạn số lượng du khách cụ thể thăm một địa điểm cụ thể. Điều quan trọng là tổ chức được cho các du khách đến và tham gia vào sự kiện đó.

Bà Bà Katherine Muller chia sẻ kinh nghiệm: Không thể có một giải pháp áp dụng cho tất cả các di sản, các địa danh. Nếu chúng ta làm thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và không chỉ là dẫn đến một hệ lụy là nó mất đi danh hiệu, UNESCO thu lại bằng chứng nhận, mà mất đi cả sự quan tâm của du khách với di sản. Điều quan trọng, chúng ta cần cân bằng trong việc gìn giữ và phát huy di sản./.

12 di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận: Quần thể di tích cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Chăm Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc và thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa.

Việt Nam còn có Mộc bản Triều Nguyễn và 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám được công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Công viên đá Đồng Văn- Hà Giang được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Đông Nam Á.

Việt Nam còn có 8 Khu dự trữ sinh quyển thế giới và nhiều bãi biển đẹp hàng đầu thế giới. 

Mai Hồng