In bài viết

Di sản văn hóa - thế mạnh du lịch ở miền Trung

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, một số địa phương ở miền Trung đã tích cực phát huy tiềm năng di sản nhằm kích thích thế mạnh du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở mỗi địa phương.

09/05/2011 18:54

 

Phố cổ Hội An. Ảnh: Chinhphu.vn

Loại hình du lịch này vừa giúp văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, đồng thời, giúp cư dân bản địa có việc làm và nguồn thu nhập, góp phần quan trong nâng cao nhận thức và trách nhiện bảo vệ văn hóa truyền thống.

Thực tế cũng đã chứng minh, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn là một thế mạnh phát triển du lịch ở các địa phương miền Trung trong những năm gần đây.

Do rất giàu tiềm năng về di sản văn hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả các giá trị thương hiệu điểm đến và sản phẩm độc đáo của du lịch tỉnh, kích thích ngành “công nghiệp không khói” phát triển khá toàn diện và bền vững.

Dịch vụ du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trở thành 1 trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế. Năm 1990, từ chỗ chỉ chiếm 25-35%, đến nay du kịch đã vươn lên chiếm tới hơn 43% trong tổng thu nhập kinh tế của tỉnh.

Thừa Thiên Huế đang hướng đến phát triển du lịch đảm bảo tính bền vững, tôn tạo tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.

Địa phương thứ 2 ở miền Trung, cũng là địa phương phát huy tốt nhất tiềm năng di sản để phát triển du lịch, đó là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Từ khi được vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới, du lịch ở thành phố Hội An đã được tiếp thêm luồng sinh khí mới.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Du lịch thành phố Hội An, năm 2010, ngành du lịch - dịch vụ chiếm hơn 70% tổng GDP của thành phố. Tổng lượng khách tham quan Hội An từ năm 2006-2010 đạt tới gần 3,5 triệu lượt người, tốc độ tăng bình quân 11,02%/năm.

Hội An đang cho thấy một cách khai thác di sản văn hóa phục vụ du lịch thành công, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ở đây mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố, mỗi còn đường đều gắn với du lịch.

Người dân đô thị cổ còn phát huy một cách hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian để phục vụ du khách….Thành phố Hội An cũng được dánh giá là địa phương đi đầu trong bảo tồn và khai thác di sản trong phát triển du lịch.

Không chỉ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các địa phương khác ở miền Trung đã và đang phát huy tiềm năng di sản để phát triển du lịch.

Một trong những điểm tham quan du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng là Cổ viện Chàm, nơi trưng bày hàng trăm cổ vật bằng sa thạch và đất nung về văn hóa Champa. Người Champa cổ, trên những dặm dày lịch sử của dân tộc đã để lại cho đất nước nhiều di sản vật thể và phi vật thể quý giá.

Mới đây, Quảng Ngãi đã đón Bằng công nhận Di tích quốc gia Trường Lũy và nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu văn hóa, du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Quảng Ngãi.

Bề dày lịch sử ở miền Trung còn được thể hiện qua các di chỉ cổ xưa như văn hóa Sa Huỳnh, di chỉ Gò Đá, đàn đá Khánh Sơn, di sản Giếng Chàm, Tháp Nhạn - Núi Đá Bia….

Văn hóa, lịch sử cũng được thể hiện ở biên niên sử, tư liệu sắc phong và lịch sử dân gian với các đền đài, kiến trúc, các lại hình lễ hội dân gian phong phú ở các địa phương.

Như vậy có thể nói, di sản văn hóa ở miền Trung là tài sản quý báu và cùng với thế mạnh du lịch biển đảo đã  tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, nâng cao tính cạnh tranh, hình thành loại hình du lịch chuyên biệt về di tích lịch sử, văn hóa.

Thế Phong