Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Được biết, Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chỏ Nhàng gọi là Tến Pỏm (Đền trên núi) thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Cuối thế kỷ XVIII, Đền được chuyển đến Pú Cắm (Núi Vàng) thuộc bản Kim Khê, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Tại đây, Đền được làm bằng nhà sàn Chín Gian lợp nứa và thờ Trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và thờ người có công xây Bản, lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ, Cắm Lự, Cắm Lạn). Năm 2004, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Quế Phong khoá XVIII và theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc huyện nhà, được sự giúp đỡ của Sở Văn hoá và Thông tin tỉnh Nghệ An (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Đền được tôn tạo, phục hồi với 1 tòa thiết kế kiểu nhà sàn truyền thống của người Thái, gồm 9 gian, mỗi gian tượng trưng cho một mường. Đền có kích thước dài 16,5m rộng 8,4m, đây là công trình kết hợp hài hòa các nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, có hai cầu thang lên xuống, mỗi cầu thang gồm có 9 bậc. Trong Đền, các vật tế được sắp đặt tuân theo phong tục tập quán và có quy định chặt chẽ. Việc bài trí nội thất tuỳ theo các gian, gian chính để thờ Trời (thờ Pọ Phà), thờ con gái trời (thờ Náng Xỉ Đà) và thờ người có công xây Bản, lập Mường (thờ Tạo Ló Ỳ), 8 gian còn lại giống nhau, mỗi gian để 1 hương án, 1 cái ô bằng vải thổ cẩm và 1 ống nước.
Bên cạnh đền Chín Gian là Nhà thờ Phật và Bác Hồ, nhà được thiết kế 2 gian (gian thứ nhất thờ Phật và gian bên thờ anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh). Việc xây dựng nhà thờ Phật và Bác Hồ chứa đựng sâu nặng tấm lòng mộ đạo của tăng ni phật tử, đồng thời chứa đựng truyền thống tốt đẹp và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân huyện Quế Phong đối với Bác Hồ kính yêu.
Nét đặc sắc của di tích đền Chín Gian chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian, thờ mẫu (Đức mẹ Xỉ Đà), thờ người có công xây Bản lập Mường. Du khách được thả hồn vào đời sống tâm linh, cầu mong cho sự bình an, sức khỏe, công danh, hạnh phúc, thịnh vượng…
Hàng năm, vào các ngày từ 14 đến 16 tháng Hai (Âm lịch), diễn ra Lễ hội đền Chín Gian là một lễ hội du lịch, tâm linh lớn nhất vùng, thu hút hàng vạn khách thập phương. Về với Lễ hội đền Chín Gian, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, mang đậm đà bản sắc dân tộc Thái của vùng đất miền Tây xứ Nghệ mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: kéo co, bắn Nỏ, ném Còn, chọi Gụ, đi Cà kheo, thi Khắc luống, Cồng Chiêng, thi hát đối đáp giao duyên...
Từ một lễ hội chỉ thu hút được người dân xung quanh vùng, nay lễ hội đã được người dân khắp mọi miền đất nước quan tâm và hành hương trong những ngày đầu xuân năm mới. Lễ hội đền Chín Gian thực sự trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân Quế Phong nói riêng và du khách thập phương nói chung. Về đây, du khách được trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Cọ Muồng, xã Châu Kim, bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch. Du lịch sinh thái tại quần thể Thác Bảy Tầng, rừng cây Samu… để hiểu thêm tình đất, tình người và lịch sử hình thành vùng đất Phủ Quỳ Châu cũ, để cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa.
Hoa Hoa