Xã An Sinh, huyện Đồng Triều là vùng đất được coi là quê gốc của nhà Trần. Theo sách Đông Triều huyện phong thổ ký ghi: “Tổ tiên nhà Trần cư ngụ ở xã An Sinh, nhiều người làm nghề chài lưới, sau này mới chuyển xuống ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, cho nên các vị đế vương của triều Trần đều đưa về an táng ở xã An Sinh".
Đền Thái là một di tích nằm trong quần thể các di tích nhà Trần ở làng Đốc Trại, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Đền Thái vốn là nơi thờ các vị vua đầu triều nhà Trần. Theo tài liệu Thần tích thần sắc và sắc phong của Đình Đốc Trại cho biết, thành hoàng làng Đốc Trại là 8 vị vua Trần, trong đó có 7 vị có bài vị đặt tại đền. Vua Trần Nhân Tông được thờ tại chùa Ngọa Vân, thuộc đất của làng nên mặc dù có sắc phong nhưng không thờ tại đình.
Cán bộ Viện khảo cổ học giới thiệu tổng quát khu di tích với lãnh đạo tỉnh và huyện Đông Triều
Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, các công trình xây dựng dưới thời Trần khu đền Thái bị phá hủy hoàn toàn. Năm 2008, Ban quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện khảo cổ học tiến hành điều tra khảo sát và khai quật thăm dò di tích đền Thái. Kết quả cho thấy đền Thái là một quần thể di tích kiến trúc lớn và quan trọng của thời Trần, phân bố trên hầu hết diện tích của đồi Đình với quy mô 2,1 ha. Trong các năm 2009, 2010 đoàn khảo sát đã tiến hành khai quật toàn bộ khu vực phía Nam của Đồi Đình trên diện tích 3.000m 2 , để làm rõ mặt bằng kiến trúc, tính chất quy mô cũng như vai trò của đền Thái trong quần thể các di tích đền miếu, lăng tẩm của Nhà Trần ở An Sinh.
Theo kết quả báo cáo sơ bộ của Viện khảo cổ học, khu di tích đền Thái nằm trên một quả đồi thấp thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh ngày nay, nằm cách lăng vua Trần Hiến Tông (Ngải Sơn Lăng hay An Lăng) khoảng 200m về phía Đông, cách lăng vua Trần Anh Tông khoảng 500m về phía Nam. Quá trình khai quật đã làm xuất lộ một tổ hợp 33 công trình kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn xây dựng khác nhau như: hệ thống nền móng nhà, sân vườn, bồn hoa và đường đi, các dấu vết kiến trúc của 2 thời kỳ Nguyễn, Trần.
Di tích được khoanh vùng khai quật và di vật nền móng được tìm thấy
Trong khu vực ngôi đền Thái đã phát hiện dấu vết nền móng kiến trúc thời Nguyễn được xây bằng gạch từ đầu thế kỷ XX. Còn lại 32 công trình kiến trúc thời Trần được tìm thấy trong đó có 20 mặt bằng kiến trúc, 10 khoảng sân vườn, 1 dấu vết đường đi và 01 bậc tam cấp. Các dấu vết kiến trúc này thuộc về 3 giai đoạn kiến trúc khác nhau của thời Trần: giai đoạn kiến trúc thứ nhất đã xác lập được 20 công trình gồm 13 mặt bằng kiến trúc, 5 sân vườn, 01 đường đi và 1 bậc tam cấp. Các công trình kết nối với nhau thành một quần thể, dựa vào vị trí có thể tạm phân thành 2 khu vực là khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi. Trong đó khu vực trung tâm có thể chia thành 3 phân khu: khu Tiền Đường, khu Trung Đường và khu Hậu Đường; giai đoạn kiến trúc thứ hai gồm có 30 công trình, ngoài 12 kiến trúc, 5 khoảng sân trong khu vực trung tâm và đường đi ở khu phía Nam thì đến giai đoạn 2 có thêm 6 kiến trúc 5 khoảng sân vườn và 1 bậc lên xuống. Các kiến trúc được xây mới kết nối liên hoàn với kiến trúc trung tâm tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh và khép kín; giai đoạn thứ 3 có nhiều thay đổi trong cấu trúc mặt bằng tổng thể. Khu vực trung tâm các kiến trúc giai đoạn trước có chức năng như là ống muống được mở rộng, các khoảng sân bị thu nhỏ lại hoặc bị chia cắt do việc xây dựng kiến trúc mới.
Các di vật thu được chủ yếu khi khai quật khu di tích đền Thái là vật liệu kiến trúc: gạch, ngói và các loại đồ gốm men, đồ sành và đồ đất nung. Vật liệu kiến trúc gồm có các loại ngói cánh sen, ngói mũi lá, các loại gạch hình chữ nhật, đầu đao cùng hệ thống tảng kê chân cột. Đồ gốm men ít, chủ yếu là đồ gốm men thời Trần, đặc biệt trong số đó đã tìm thấy 1 chậu gốm hoa nâu kích thước rất lớn có trang trí 8 con rồng có hình dáng chắc khỏe và nhiều hoa văn đẹp khác, cho thấy tính chất quan trọng của di tích đền Thái trong hệ thống các di tích đền miếu lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều.
Cán bộ Viện khảo cổ học tiến hành đo đạc, khảo sát tại khu di tích Đền Thái
Nhìn chung, đến nay việc xác định tính chất, chức năng của di tích đền Thái vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Theo suy đoán của các cơ quan chức năng, có thể đây chính là nơi thờ các vị vua đầu triều nhà Trần, vì An Sinh là quê gốc của Nhà Trần. Mặt khác tên của di tích là đền “Thái” có thể hiểu là “Thái miếu”. Nếu theo cách hiểu này thì đây đúng là di tích quan trọng đặc biệt bậc nhất trong hệ thống các di tích lăng mộ nhà Trần ở Đông Triều nói riêng và hệ thống các di tích nhà Trần nói chung.
Cũng trong thời gian tiến hành khai quật khu đồi Đình, vào cuối năm 2010 tại thôn nghĩa Hưng, xã An Sinh, gia đình bà Phạm Thị Sáu dùng máy san gạt vườn đồi của gia đình đã phát lộ một ngôi mộ quách gỗ. Nhận biết được đây là di chỉ mộ táng quan trọng, gia đình đã dừng việc san gạt. Theo đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, khai quật.
Theo khảo sát, di tích mộ táng tại thôn Nghĩa Hưng, mặc dù đã bị phá hủy nghiêm trọng song về cơ bản đã được phục nguyên lại cấu trúc ngôi mộ với đường huyền đạo ở phía Nam của ngôi mộ dài 8,2 m. Mộ có 2 lớp quách, xung quanh được bao bọc bằng than tro và hợp chất để chống sự phá hoại của vi sinh vật. Cấu quách mộ này giống với Phần Cựu (tam Đường- Thái Bình) và mộ Hải Triều (Hưng Hà-Thái Bình) –đều là những ngôi mộ của quý tộc nhà Trần. Đặc biệt khi khai quật còn tìm thấy chiếc vòng ngọc, cho phép suy đoán chủ nhân ngôi mộ là nữ, thuộc tầng lớp cao quý và có thể là người trong hoàng tộc Nhà Trần.
Theo đồng chí Trịnh Công Lộc, Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh, đến nay đơn vị đã cơ bản lập xong hồ sơ quy hoạch tổng thể khu di tích đền Thái bao gồm vùng lõi (phạm vi đồi Đình có diện tích 2,1 ha), vùng đệm để trình lên các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Ban vẫn tiếp tục nghiên cứu và làm rõ vai trò, vị trí của di tích đền Thái trong hệ thống các di tích lăng mộ nhà Trần tại huyện Đông Triều. Trên cơ sở này, sẽ tiếp tục nghiên cứu hình thái kiến trúc làm cơ sở cho việc quy hoạch, trùng tu và phát huy giá trị của di tích.
Nếu được phê duyệt, khu di tích sẽ được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, góp phần vào việc giáo dục truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người dân huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung./.