In bài viết

Địa phương căn cứ điều kiện và khả năng ngân sách để hỗ trợ lao động tự do

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Tuấn hỏi, Nghị quyết 68/NQ-CP có ban hành biểu mẫu số 11 cho nhóm đối tượng tại Khoản 10, Mục II, nhưng khi Nghị quyết 126/NQ-CP mở rộng phạm vi đối tượng thì có thể sử dụng Mẫu số 11 theo Nghị quyết 68/NQ-CP để sử dụng cho nhóm đối tượng mở rộng theo Nghị quyết 126/NQ-CP không hay phải chờ hướng dẫn mới về biểu mẫu?

Bài viết Hải Hoa

06/01/2022 09:50

Theo ý kiến của ông Tuấn, đối với nhóm tài xế công nghệ (Shipper) được phân vào nhóm người lao động tự do không ký kết hợp đồng lao động theo Khoản 12, Mục II của Nghị quyết 68/NQ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm tài xế công nghệ hiện tại đang phải đóng các khoản thuế bao gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế GTGT cho các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động giao hàng (bao gồm cả khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số...).

Về nghĩa vụ thuế, nhóm tài xế công nghệ được coi là nhóm đối tượng cá nhân kinh doanh. Do đó, ông Tuấn hỏi, nhóm đối tượng tài xế công nghệ nên được coi là nhóm đối tượng tại Khoản 12 Mục II hay khoản 10 Mục II sửa đổi để phù hợp về nghĩa vụ thuế của nhóm đối tượng này?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Vì vậy, ông Tuấn nếu thuộc đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có nhu cầu hỗ trợ cần liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.

Chinhphu.vn