Phiên thảo luận về các chính sách phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Anh Minh |
Đây là nội dung được các đại biểu, các nhà đầu tư trao đổi tại phiên thảo luận về các chính sách phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Nhiều điểm đột phá, quy trách nhiệm rõ ràng
Điều phối thảo luận, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, các mô hình đặc khu không phải là mới trên thế giới, không phải đặc khu nào cũng có kết quả giống nhau. Ví dụ, Trung Quốc có nhiều đặc khu nhưng bên cạnh đặc khu Thâm Quyến là điển hình thành công, vẫn có một số đặc khu như Châu Hải với nhiều kỳ vọng nhưng không đạt được kết quả phát triển như mong muốn.
Tuy nhiên, vẫn cần có hướng đi mới, để có sự phát triển đột phá. Do đó, rất cần có những trao đổi tìm giải pháp để xây dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc, tạo thuận lợi an toàn cho nhà đầu tư, phát triển doanh nghiệp địa phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phân tích cái được lớn nhất khi phát triển đặc khu là không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mà còn thu hút công nghệ, cách thức tổ chức bộ máy chính quyền hiện đại, tăng cường hội nhập tốt hơn với thế giới.
Với tinh thần đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cho phép xây dựng đề án về thành lập các đặc khu hành chính đặc biệt, Chính phủ đang trình Quốc hội văn bản dự thảo Luật.Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm hơn 140 nước, trong đó tập trung nghiên cứu 12-13 nước có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam khi phát triển đặc khu.
Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) - gọi tắt là Luật Đặc khu - bao gồm 6 chương với 104 điều. Chính sách phát triển KTXH chung của 3 đơn vị HCKTĐB là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được tập trung đề xuất tại dự thảo Luật này. Cụ thể, đó là thủ tục đầu tư; chính sách về đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đáng chú ý, về cơ chế hành chính, hiện Chính phủ đề xuất 2 phương án tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đơn vị HCKTĐB. Theo phương án 1, chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng khu hành chính, không tổ chức HĐND và UBND. Trưởng đặc khu được trao 126 thẩm quyền trong 12 lĩnh vực, trong số đó có một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ và chịu sự giám sát, kiểm tra của nhân dân, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Phương án 2 là tổ chức một cấp chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND, không có nhiều sự khác biệt.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, Chính phủ thiên về phương án 1. Phương án này đạt được nhiều hiệu quả như thể hiện được sự đột phá về thể chế hành chính, làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời vẫn bảo đảm sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan nhà nước, cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm minh bạch và đúng pháp luật. Đây cũng là mô hình được áp dụng ở nhiều đặc khu thành công trên thế giới.
“Việc khuyến khích chính quyền địa phương bằng cơ chế khác biệt, kèm theo hệ thống giám sát thông qua các cơ quan dân cử, sẽ giúp đề cao được vai trò trách nhiệm cá nhân, tránh được tình trạng khi thành công hay thất bại cũng không quy được cho ai”, Thứ trưởng Trung chia sẻ với các nhà đầu tư.
Đi đôi với việc trao quyền lớn, quyền lực của Trưởng đặc khu được giám sát ở chỗ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giám sát, chất vấn Trưởng đặc khu tại các cuộc họp của HĐND tỉnh đối với các vấn đề liên quan, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND. HĐND tỉnh có quyền đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm, cách chức Trưởng đặc khu hoặc yêu cầu bãi bỏ một phần hay toàn bộ văn bản pháp quy do Trưởng đặc khu ban hành. Bên cạnh đó còn có sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội khác. Trong dự thảo Luật cũng đề cập đến sự giám sát từ người dân thông qua việc tiếp dân, giải quyết các kiến nghị của người dân định kỳ theo tháng, công khai thông tin trên website và các phương tiện thông tin truyền thông. Ngoài ra, Trưởng đặc khu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ đối với các nhiệm vụ được giao và toàn bộ hoạt động của đặc khu.
Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp Vân Đồn, Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh |
Các lãnh đạo địa phương kỳ vọng vào cơ chế mới linh hoạt
Tại hội nghị, đại diện một số địa phương được lựa chọn, thông qua đề án về đặc khu đã bày tỏ kỳ vọng Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ sớm được thông qua vào tháng 5/2018. Các địa phương cho biết đang chuẩn bị tốt để phát huy hết tiềm năng nếu Luật được thông qua.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giới thiệu đặc khu Phú Quốc cho biết, việc thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ khai thác tốt nhất các tiềm năng, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến… phát triển các trụ cột chính là du lịch giải trí, nghỉ dưỡng; trung tâm thương mại triển lãm; nghiên cứu-phát triển; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển; hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn.
Trở thành khu kinh tế vào năm 2013, cho đến đầu năm nay, Phú Quốc đã đón tổng cộng 16,7 tỉ USD vốn đầu tư, xếp thứ 4 trong số những địa phương được đầu tư mạnh mẽ nhất.
Đại diện tỉnh Khánh Hoà cho biết địa phương cũng đặt ra mục tiêu, định hướng, các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình chính quyền để xây dựng đặc khu hành chính-kinh tế Bắc Vân Phong trở thành một trung tâm dịch vụ-du lịch lớn, hiện đại có casino mang tầm khu vực và thế giới.
Theo quy hoạch, Bắc Vân Phong sẽ lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Ở đây có một khu phi thuế quan và một khu thuế quan.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Hạ Long Nguyễn Đức Long cho biết, từ năm 2012 tỉnh đã xây dựng Đề án khu kinh tế Vân Đồn.
Tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều bước tiến về thể chế xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của địa phương thường xuyên xuất hiện trong nhóm đầu, riêng năm 2016 chỉ số PCI của Quảng Ninh đứng thứ 2/63 tỉnh.Quảng Ninh là một trong số ít địa phương xây dựng được cơ sở hạ tầng khá hiện đại nhưng sử dụng nhiều nguồn vốn tư nhân. Đặc biệt trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều hạ tầng đã và đang được xây dựng như đường cao tốc Hải Phòng, Hạ Long, Vân Đồn (dự kiến quý I/2018 hoàn thành), hay sân bay Vân Đồn với đường băng dài 3,6 km chuẩn bị cho bay thử vào năm 2018…
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho rằng, Luật Đặc khu là cơ sở pháp lý quan trọng cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi, có khả năng tạo sự phát triển đột phá. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang lựa chọn các tư vấn hàng đầu phát triển Vân Đồn theo tầm nhìn quốc tế.