In bài viết

Dịch bệnh đậu mùa khỉ: Dấu hiệu đầu tiên về lây lan ra ngoài châu Phi

(Chinhphu.vn) - Ngày 15/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận một trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi.

16/08/2024 08:19
Dịch bệnh đậu mùa khỉ: Dấu hiệu đầu tiên về lây lan ra ngoài châu Phi- Ảnh 1.

Hình ảnh bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters

Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dịch bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra bên ngoài Lục địa Đen, một ngày sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì căn bệnh này.

Phát biểu họp báo, giới chức y tế Thụy Điển cho biết bệnh nhân này đã bị nhiễm chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc nhánh Ib có liên quan đến đợt bùng phát dịch mới đây ở châu Phi. Hiện bệnh nhân trên đang được điều trị.

Trong khi đó, WHO cảnh báo: "Việc xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển cho thấy rõ sự kết nối của thế giới chúng ta... có khả năng dẫn tới nhiều ca nhiễm bệnh này hơn ở khu vực châu Âu trong những ngày và tuần tới".

Hôm 14/8, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sau khi dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ CHDC Congo sang các quốc gia lân cận. Chủng virus dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được cho là gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với chủng đã gây ra dịch bệnh đậu mùa khỉ hồi năm 2022.

Theo số liệu của CDC châu Phi, kể từ tháng 1/2022 đến ngày 4/8, châu lục này có 38.465 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và có 1.456 ca tử vong. Riêng tại Congo, đã có 27.000 ca mắc và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em, kể từ khi dịch bệnh hiện tại bắt đầu vào tháng 1/2023.

Ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - giống như cách phân loại COVID-19 - được đưa ra sau đợt bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo lan sang các nước láng giềng.

Cảnh báo mới nhất được ban hành vào ngày 14/8.

Vào giữa năm 2022, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã lưu hành trên khắp thế giới - bao gồm cả Singapore, khiến WHO phải đưa ra tuyên bố tương tự.

Virus đậu mùa khỉ lây truyền từ người sang người qua các giọt hô hấp lớn hoặc dịch cơ thể, đặc biệt là qua vết phát ban và vết loét. cũng như tiếp xúc thân mật bao gồm ôm, hôn và quan hệ tình dục.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam - người điều hành một phòng khám tư tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena - cho biết khả năng mắc bệnh đậu mùa khỉ là "cực kỳ thấp".

"Sự lây truyền (virus đậu mùa khỉ) thường xảy ra khi có tiếp xúc da kề da với người có thể đã bị nhiễm bệnh (bao gồm cả quan hệ tình dục)" - Tiến sĩ Shawn Vasoo, Giám đốc lâm sàng tại Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm (NCID), cho biết - "Những tương tác thông thường hoặc tạm thời như chia sẻ không gian văn phòng hoặc cùng dùng bữa là những hoạt động có nguy cơ thấp và không có khả năng lây nhiễm đậu mùa khỉ".

Giống như nhiều bệnh truyền nhiễm khác, những người lớn tuổi hoặc trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao hơn - Tiến sĩ Khoo Yoong Khean từ Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Duke-NUS cho biết. Ông nói thêm rằng tỷ lệ mắc đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát hiện nay dường như cao hơn ở những nhóm đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

Theo Tiến sĩ Khoo Yoong Khean, một lý do có thể khiến bệnh được phát hiện nhiều hơn ở nhóm đàn ông quan hệ tình dục đồng giới là do những người này thực hiện xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, dẫn đến sự cảnh giác và tỷ lệ phát hiện mắc bệnh cao hơn.

Ông Khoo nói thêm rằng mặc dù đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường tình dục nhưng nó không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục.