In bài viết

Dịch tả lợn Châu Phi đang "chạm đáy"

(Chinhphu.vn) – Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi có xu hướng giảm mạnh khi cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi làm 19.472 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy.

10/03/2020 17:19

Ngày 16/1 dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế tại Phú Thọ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp dẫn đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy tái đàn lợn tại tỉnh Phú Thọ.

Theo thông tin từ tỉnh Phú Thọ, đến ngày 16/1/2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã hoàn toàn được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh; đến nay, không phát sinh các ổ dịch mới. Tổng đàn hiện nay khoảng 629 nghìn con, bằng 74% tổng đàn so với thời điểm trước xảy ra dịch (835 nghìn con). Mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp cho thị trường trên 90.000 con (tương đương khoảng 9 nghìn tấn thịt hơi).

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp vào kiểm tra trang trại nuôi 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm của gia đình bà Cấn Thị Thìn ở Khu 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ). 

Với 160 lợn nái và 1.600 lợn thương phẩm, trang trại của gia đình bà Thìn được tổ chức khép kín và cách biệt trên diện tích 30ha đồi rừng. "Để miễn nhiễm với dịch bệnh, gia đình thường xuyên tổ chức phun thuốc sát trùng từ xa, thậm chí bao trùm cả các hộ chăn nuôi khác từ khoảng cách 1-1,5km. Cùng với đó, tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine", bà Thìn chia sẻ.

Cùng với việc rắc vôi trắng các lối đi trong trang trại, người ngoài muốn vào trại phải mặc quần áo bảo hộ và qua hai lần khử khuẩn, sát trùng (một lần cách trại khoảng 500 m và trước khi vào trại). Với việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và hạn chế các yếu tố từ bên ngoài vào, trang trại lợn của bà Thìn đã duy trì và phát triển đàn trong thời gian qua.

"Trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, gia đình tôi nuôi 100 lợn nái, nay đã tăng thêm 68 con. Trong thời gian tới, gia đình sẽ nuôi trên 200 nái và khoảng 2.000 lợn thương phẩm. Hiện nay, mỗi ngày trang trại xuất bán 350 con lợn thương phẩm với trọng lượng 100kg/con với giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg", bà Thìn nói.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, dù bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 218/277 xã, phường, thị trấn, nhưng hầu hết chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch. Tổng số lợn buộc tiêu hủy là 57,4 nghìn con (chiếm 6,7% tổng đàn), số lượng tiêu hủy trên 3,3 nghìn tấn (chiếm 2,6% tổng sản lượng); gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi trên 130 tỷ đồng.

Trong tháng 2/2020 bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ phát sinh thêm 2 xã tại tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình với số lợn buộc phải tiêu hủy là 7.435 con, giảm 62% so với tháng 1/2020.

Đến nay, có 11 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Cùng với đó, có 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80%; 21 địa phương có tổng đàn đạt hơn 50% và chỉ có 10 địa phương có tổng đàn thấp hơn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 2/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (31 triệu con vào tháng 12/2018).

Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Nôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nguy cơ vẫn hiện hữu

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi xảy ra vẫn còn cao, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh; vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao; đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát. Chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời, thời tiết thay đổi bất lợi, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ lợn vào đầu năm 2020.

Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, Bộ NN&PTNT đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN&PTNT. Bảo đảm tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng với đó, tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh DTLCP và nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh. Hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ.

Ngoài ra, cần tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt lợn để người dân hiểu đầy đủ; tránh tình trạng trục lợi, đầu cơ tăng giá.

Đỗ Hương