Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cả nước có 346 ổ dịch thuộc 89 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 34.321 con, số lợn chết và tiêu hủy là 34.533 con.
Ngày 16/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 58/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiếp đó ngày 14/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Về phía Bộ NN&PTNT cũng đã liên tục có những cảnh báo và yêu cầu để kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi, đặc biệt là Dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, trong tháng 6 và những ngày vừa qua của tháng 7, Bộ NN&PTNT ban hành liên tiếp các gửi các địa phương: tỉnh Hòa Bình, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 2/7/2024, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 4687/BNN-TY gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh trên đàn vật nuôi.
Ngày 10/7/2024, Bộ NN& PTNT ban hành Tờ trình số 4885/TTr-BNN-TY trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Bộ NN&PTNT đã thành lập 35 đoàn công tác đến 35 tỉnh, thành phố kiểm tra thực tế cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi lây lan diện rộng và nguy cơ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cụ thể ông Nguyễn Văn Long chỉ ra: "Nhiều địa phương chưa công bố dịch cấp huyện, cấp tỉnh và tổ chức chống dịch theo đúng quy định, cụ thể tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình,… Cùng với đó tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng, công tác quản lý giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch chưa thực hiện theo quy định; Dịch bệnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học".
Cục trưởng Cục Thú y cũng nêu rõ thực tế, mặc dù đã có vacine Dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng cho đàn lợn thịt; Công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời;Hệ thống Thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã đều rất thiếu, yếu, chưa tham mưu kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh; không có hoặc thiếu lực lượng thú y để tổ chức triển khai xử ly sổ dịch theo đúng quy định.
"Nhiều địa phương cũng thiếu hoặc không thông tin, tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, vacine phòng bệnh, các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Các cấp chính quyền và người chăn nuôi chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại một số địa phương, chính quyền cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm, chưa huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo quy định… cũng khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn", ông Long nhấn mạnh.
Đỗ Hương