Ảnh minh họa |
Cụ thể, điểm Bưu điện-Văn hóa xã là điểm phục vụ thuộc mạng bưu chính công cộng do Nhà nước giao Tổng công ty Bưu điện Việt Nam xây dựng, duy trì, quản lý để cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích và các dịch vụ kinh doanh khác theo định hướng phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động đọc sách, báo phục vụ cộng đồng.
Theo Thông tư, các điểm Bưu điện-Văn hóa xã phải đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ thư cơ bản có khối lượng đến 2 kg và dịch vụ phát hành báo chí công ích theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các dịch vụ bưu chính khác theo yêu cầu của Nhà nước.
Tổ chức phục vụ đọc sách, báo tại điểm Bưu điện-Văn hóa xã
Hoạt động đọc sách, báo tại điểm Bưu điện-Văn hóa xã bao gồm việc phục vụ đọc miễn phí sách, báo in, các loại ấn phẩm và việc tổ chức đọc sách, báo trên mạng Internet.
Theo Thông tư, việc tổ chức phục vụ đọc sách, báo tại điểm Bưu điện-Văn hóa xã phải đảm bảo thời gian tối thiểu phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của nhân dân tương ứng với thời gian mở cửa theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo từng thời kỳ; các loại sách, báo phải được vào sổ sách, phân loại, sắp xếp theo chủ đề để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý và tìm đọc.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn sách, báo tại điểm Bưu điện-Văn hóa xã được cung cấp thông qua các chương trình phối hợp liên ngành, Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các chương trình khác. Sách, báo cung cấp cho điểm Bưu điện-Văn hóa xã phải phù hợp với nhu cầu và đặc thù của địa phương; ưu tiên phân bổ cho các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Theo Thông tư, nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện-Văn hóa xã sẽ được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ, phục vụ đọc sách báo, bảo quản tài sản theo thỏa thuận với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm Bưu điện-Văn hóa xã và các chế độ thù lao khác (nếu có).
Tuệ Văn