Trên tinh thần chỉ đạo đó, chiều ngày 7/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm "Cung ứng điện cho năm 2024 – Những vấn đề cấp bách đặt ra" với sự tham gia của các vị khách mời là các chuyên gia kinh tế am hiểu về lĩnh vực điện cùng đưa ra giải pháp cho việc cung ứng đủ điện cho nền kinh tế cũng như lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường.
Toạ đàm có sự tham gia của: TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc; PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Tại Toạ đàm, các vị khách mời đều nhìn nhận, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc bảo đảm cung cấp điện năng cho nền kinh tế, từ công tác xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phê duyệt các chủ trương, đầu tư các dự án điện đến hoạt động truyển tải, cấp phát, tiêu thụ điện năng.
TS. Nguyễn Đức Kiên cũng đưa ra một số mốc quan trọng ghi dấu ấn rõ nét của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành về điện như: Tháng 4/2021, đầu nhiệm kỳ Chính phủ, vấn đề quan tâm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ là đôn đốc để bảo đảm điện; cuối của năm 2021, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian trực tiếp nghe lại Tổng sơ đồ điện VIII.
Sang năm 2022, sau khi hết dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cùng Phó Thủ tướng đến công trường các nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… tháo gỡ khó khăn cho các dự án này. Kết quả là, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 đã đi vào hoạt động. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạch 3 đường dây 500 kV, để góp phần truyền tải được phần năng lượng dôi dư ở khu vực miền Trung ra miền Bắc, tránh tình trạng thiếu điện cục bộ trong mùa hè năm 2023.
TS. Ngô Trí Long cho rằng: Nguồn tiềm năng về điện của Việt Nam không thiếu, thủy điện, năng lượng tái tạo đều có để phát triển. Đối với ngành điện, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm và luôn coi điện là nguồn đầu vào quan trọng, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế. Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành nhưng thực tế nguồn cung ứng điện vẫn thiếu cục bộ trong tháng 5 và tháng 6/2023 thì “đây là một bài học rất lớn”.
“Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ nhưng nếu chỉ ‘trên nóng, dưới lạnh’ thì dù Chính phủ có quyết tâm cũng không thể triển khai được. Vấn đề tiếp theo là đảm bảo dự trữ nhiên liệu đầu vào vì nguồn nhiệt điện chiếm tỉ trọng lớn mà nguồn than trong nước còn hạn chế, vẫn phải nhập khẩu thêm. Đặc biệt, trong vấn đề điều độ vận hành hệ thống điện, rõ ràng có bất cập khi hệ thống A0 thuộc EVN giống như trong một trận đá bóng mà trọng tài thuộc về đội đó thì có nên hay không? Vì vậy, Chính phủ có quyết định sáng suốt chuyển A0 về Bộ Công Thương là rất đúng đắn”, TS. Ngô Trí Long nói.
Một bất cập nữa được các chuyên gia phân tích là vì sao có tình trạng “thừa công suất, nhưng vẫn thiếu điện”.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi lý giải: “Chúng ta có 80 GW, trong đó có khoảng 25 GW là điện mặt trời và điện gió, đến 18h trời tối là mất 25 GW rồi. Vì thế, cần hiểu rõ 80 GW là công suất đạt, còn công suất hữu dụng ở nhiều thời điểm vẫn thiếu”.
Giải thích thêm cho tình trạng “thiếu điện”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi cho biết: Thời gian qua phần nguồn điện đưa vào sử dụng không đúng kỳ vọng, không theo đúng kịch bản quy hoạch điện. “Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nếu như không có đợt thiếu điện vừa rồi thì không biết đến bao giờ đưa vào sử dụng được và đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhìn nhận.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến thiếu điện: Thứ nhất, những người làm công tác dự báo không lường được. Thứ hai, giá nhiên liệu của thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường. Thứ ba, do thiếu nguồn điện nên khi xây dựng kịch bản điện dẫn đến thiếu điện.
Tại buổi Toạ đàm, các chuyên gia đều cùng quan điểm: Điểm nghẽn lớn nhất đối với điện hiện nay là giá điện.
Theo TS. Ngô Trí Long: Quan trọng nhất là làm sao phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời cho giá điện. Thêm nữa, cần tách bạch giữa điện công ích và điện sản xuất kinh doanh cho rõ ràng và cần xử lý sớm để ngành điện tồn tại và phát triển, hoạt động một cách thực sự, bảo đảm nguồn cung ứng điện đầy đủ.
“Đặc thù của ngành điện là cung không đáp ứng cầu để khuyến khích sử dụng năng lượng, đồng thời bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Điện khác với những mặt hàng khác. Nếu như các mặt hàng khác càng mua nhiều thì giá càng rẻ thì điện càng dùng nhiều giá càng đắt. Do đó, cần xem xét lại khi dùng phương pháp luỹ tiến tính giá điện và xây dựng biểu giá điện mới hợp lý hơn”, TS. Ngô Trí Long nêu.
Phản biện ý kiến cho rằng “giá điện sinh hoạt đang trợ giá cho sản xuất”, theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi: Khi chưa đủ dữ liệu phân tích thì không nên đưa ra quan điểm này, gây ra suy nghĩ khiến người dân cho rằng người dùng điện sinh hoạt đang trả tiền hộ cho doanh nghiệp. Bởi, không thể lấy bình quân của sản xuất so với bình quân của sinh hoạt khi doanh nghiệp sản xuất mua từ 110 kV, 35 kV, 22 kV, còn hộ dân sinh hoạt chỉ mua từ 0,4 kV khiến giá thành điện sinh hoạt đắt hơn.
“Có 2 văn bản quan trọng nhất liên quan đến giá bán điện là: Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá điện: Kinh doanh, sản xuất, hành chính sự nghiệp và sinh hoạt.
Quyết định 24 ban hành từ năm 2017, Quyết định 28 cũng ban hành từ năm 2014 đã 10 năm. Thời điểm đó, chúng ta có thể phải để giá điện sản xuất thấp để thu hút đầu tư, nhưng giờ phải có những điều chỉnh kịp thời. Khó khăn hiện nay là chúng ta để quá lâu không điều chỉnh nên khi điều chỉnh, nếu lập tức tính đúng, tính đủ sẽ gây sốc cho nhiều chủ thể của kinh tế. Thế nhưng, chúng tôi rất mong muốn với cách làm việc quyết liệt như hiện nay của Chính phủ thì những hạn chế thuộc về cơ chế sẽ sớm được tháo gỡ. Ngành điện khoẻ thì nền kinh tế mới khoẻ”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nói.
Nói thêm về bài toán “giá điện”, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, ngay trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, chúng ta phải đảm bảo truyền thông về giá điện một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực trạng của ngành điện Việt Nam.
Kiến nghị thứ hai được TS. Nguyễn Đức Kiên đề cập là phải làm rõ được giữa phân phối hay tập trung hóa, hay là phi tập trung hóa nguồn điện sản xuất. Thứ ba, phải hạch toán đúng phần hỗ trợ vào sản lượng điện và thực hiện an sinh xã hội. Thứ tư, phải tính truyền tải vào trong chi phí và tổng mức đầu tư như là tổng sơ đồ điện VIII dự kiến. Bởi “tổng mức đầu tư của đường truyền tải, đặc biệt đường dây 500 KV vô cùng lớn, nếu không tính vào và có cơ chế PPP để thực hiện thì không thể thu hút được các nhà đầu tư”.
Kết thúc buổi Toạ đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quyết tâm chính trị và mệnh lệnh rất rõ ràng là “không để thiếu điện trong năm 2024”. Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về ngành điện đều chung thông điệp: Muốn bảo đảm điện cho cả nền kinh tế cần khai thác tốt các nguồn hiện có, đã có như: thủy điện, nhiệt điện… đồng thời cần rất nhanh tháo gỡ vướng mắc về cơ chế cho các nhà máy điện tái tạo, kể cả nguồn điện áp mái đang có.
Trong năm 2024, để tối đa nguồn điện có thể đưa được vào phục vụ đời sống, kinh tế - xã hội, các bộ ngành đơn vị cần thực hiện nghiêm Công điện 782/CĐ-TTg ngày 4/9/2023 của Thủ tướng về bảo đảm cung ứng điện.
Ngoài ra, để bảo đảm nguồn điện thời gian tới và trong năm 2024 từng bước ổn định, các chuyên gia gợi mở một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh theo hướng minh bạch, công bằng; tiếp tục điều chỉnh giá, có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường; đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Nam Định I-Thanh Hóa, thuộc các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải có các phương án để bảo đảm vận hành các nhà máy điện hiện có một cách hiệu quả, hạn chế tối đa lỗi kỹ thật, tránh những sự cố không đáng có như vừa xảy ra. Đồng thời, EVN cũng như Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần lên được kịch bản để đối phó với mọi tình huống xảy ra, đưa ra các dự báo chuẩn chỉ hơn để bảo đảm khai thác hài hòa nguồn thủy điện và nguồn nhiệt điện.
Phan Trang